Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long chỉ đạo tiếp tục thực hiện chủ trương phân cấp cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ đầu tư. Căn cứ vào năng lực của cán bộ cấp xã, huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo việc triển khai đảm bảo phù hợp thực tiễn và đúng quy định của pháp luật. Các địa phương cần khuyến khích người dân tiếp cận vốn vay ngân hàng để phát triển sản xuất; cần có hình thức động viên khen thưởng kịp thời các xã, thôn thực hiện tốt các chương trình, đặc biệt là các hộ nghèo có ý thức vươn lên thoát nghèo để lan tỏa trong cộng đồng, trở thành phong trào tại các xã, thôn thuộc diện 135.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tới ngày 30/6 các chủ đầu tư dự án có vốn đầu tư phát triển không hoàn thành kế hoạch đấu thầu sẽ điều hòa vốn và ưu tiên cho Chương trình xây dựng nông thôn mới, Đề án 196 – nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Quan điểm của tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo là làm tới đâu chắc tới đó, hướng tới tính bền vững, tuyệt đối không chạy theo phong trào, hình thức. Ngoài việc hỗ trợ của Nhà nước, đầu tư hạ tầng, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động để người dân phát huy vai trò chủ thể, nâng cao ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo, tham gia phát triển sản xuất.
Quảng Ninh có 22 xã, 154 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn nằm trong Chương trình 135 của Chính phủ. Sau nhiều năm thực hiện Đề án 196 về nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, đến hết năm 2018 Quảng Ninh còn 12 xã, 14 thôn bản nằm trong diện đặc biệt khó khăn.