Quảng Ngãi chủ động ứng phó với nguy cơ sạt lở núi

Tại huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) đang tồn tại 2 điểm có nguy cơ cao về sạt lở, đe dọa trực tiếp trường học, nhà ở, tính mạng và tài sản của người dân, nhất là khi cao điểm mưa bão đã cận kề.

vna_potal_quang_ngai_chu_dong_ung_pho_voi_cac_diem_nguy_co_cao_sat_lo_nui_o_huyen_son_ha_7633081.jpg
Vết nứt trên núi Mang Kà Muồng, thôn Nước Tang, xã Sơn Bao, kéo dài 60m, rộng 2m xuất hiện trong các đợt mưa tháng 9/2024. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN

Tại thôn Nước Tang, xã Sơn Bao, những đợt mưa lớn giữa tháng 9 đã khiến núi Mang Kà Muồng ở độ cao 30 m xuất hiện vết nứt kéo dài 60 m, cách khu dân cư và điểm Trường mầm non Hướng Dương tầm 50 m. Vết nứt này còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở kéo theo hàng chục ngàn m3 đất đá xuống tuyến đường DH77, khiến hàng chục hộ dân tại đây luôn sống trong cảnh lo lắng bất an. Bà Đinh Thị Mế, người dân thôn Nước Tang lo lắng chia sẻ: Vết nứt Núi Mang Kà Muồng được người dân phát hiện vào giữa tháng 9. Khu vực dưới chân núi nơi người dân sinh sống, nếu sạt lở vào ban ngày thì người dân còn có thể thoát nhưng ban đêm sẽ rất khó khăn. Người dân luôn sống trong sợ hãi, thấp thỏm.

vna_potal_quang_ngai_chu_dong_ung_pho_voi_cac_diem_nguy_co_cao_sat_lo_nui_o_huyen_son_ha_7633074.jpg
Học sinh điểm trường mầm non Hướng Dương dưới chân núi Mang Kà Muồng đã được di dời đảm bảo an toàn. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN

Ngày 3/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp UBND xã Sơn Bảo kiểm tra vị trí xuất hiện vết nứt núi Mang Kà Muồng ở thôn Nước Tang. Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bao Đinh Văn Sen cho biết, vết nứt núi thôn Nước Tang đang có dấu hiệu lan rộng ra. Thời điểm kiểm tra tháng 9/2024 chỉ là 1,5 m, đến nay có đoạn đã rộng ra 2,3 m. “Chúng tôi đã di dời học sinh điểm Trường mầm non Hướng Dương đến Trường Tiểu học Sơn Bao. Với các hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng sạt lở núi, chúng tôi đã vận động người dân di dời ở ghép nơi an toàn mỗi khi có mưa, bão. Về lâu dài, cần có giải pháp tái định cư cho người dân yên tâm sinh sống”, ông Đinh Văn Sen nhấn mạnh.

vna_potal_quang_ngai_chu_dong_ung_pho_voi_cac_diem_nguy_co_cao_sat_lo_nui_o_huyen_son_ha_7633072.jpg
Khu dân cư thôn Nước Tang, xã Sơn Bao, dưới chân núi Mang Kà Muồng. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN

Sau bài viết “Cuộc sống thấp thỏm của người dân dưới chân núi lở” của phóng viên TTXVN, tháng 2/2024, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Quyết định số 112 QĐ-UBND phân bổ 14 tỷ đồng để huyện Sơn Hà khắc phục sạt lở núi Van Cà Vải và tái định cư cho người dân. UBND thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà đã họp, lấy ý kiến nhân dân về phương án di dời, vị trí dự kiến tái định cư. Tuy nhiên, có 5/7 hộ không đồng tình di dời về nơi tái định cư, mà xin tiếp tục ở lại. UBND huyện Sơn Hà đã triển khai phương án gia cố, chống sạt lở núi Van Cà Vải để ổn định người dân tại chỗ. Bà Đinh Thị Thẻ, Tổ dân phố Làng Dầu, chính quyền địa phương có phương án di dời người dân đến nơi ở mới, mỗi hộ được cấp 100 m2 đất ở làm nhà nhưng chưa có nơi làm chuồng gia súc nuôi trâu, bò và kinh phí để xây nhà nên nhiều người vẫn tiếp tục sinh sống dưới chân núi...

vna_potal_quang_ngai_chu_dong_ung_pho_voi_cac_diem_nguy_co_cao_sat_lo_nui_o_huyen_son_ha_7633077.jpg
Vết nứt trên núi Mang Kà Muồng, thôn Nước Tang, xã Sơn Bao, kéo dài 60m, rộng 2m xuất hiện trong các đợt mưa tháng 9/2024. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phan Anh Quang cho biết, đầu năm 2024, UBND tỉnh phân bổ vốn cho huyện nhằm thực hiện tái định cư, khắc phục sạt lở. Khi triển khai dự án, huyện đã họp dân, tuyên truyền, vận động người dân di dời nhưng hầu hết các hộ dân Tổ dân phố Làng Dầu đều không muốn đi. Núi Van Cà Vãi được đánh giá có nguy cơ sạt lở rất cao nếu không có giải pháp căn cơ. Huyện Sơn Hà đã tham vấn các sở, ban, ngành, trình UBND tỉnh Quảng Ngãi chuyển mục tiêu không tái định cư mà khắc phục, phòng, chống sạt lở. Hiện huyện Sơn Hà đang nỗ lực khắc phục, chống sạt lở hoàn thành trước mùa mưa năm nay, ông Phan Anh Quang thông tin.

Phạm Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm