Quảng Ngãi: Cần bảo tồn, phát huy vai trò của đầm An Khê gắn với không gian văn hóa - sinh tồn của cư dân Sa Huỳnh cổ

Quảng Ngãi: Cần bảo tồn, phát huy vai trò của đầm An Khê gắn với không gian văn hóa - sinh tồn của cư dân Sa Huỳnh cổ

Ngày 1/7, tại thị xã Đức Phổ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị tham vấn về “Vai trò của đầm An Khê gắn với không gian văn hóa - sinh tồn của cư dân Sa Huỳnh cổ và đánh giá tác động dự án nhà máy điện mặt trời trên đầm An Khê, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi”.

Quảng Ngãi: Cần bảo tồn, phát huy vai trò của đầm An Khê gắn với không gian văn hóa - sinh tồn của cư dân Sa Huỳnh cổ ảnh 1Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Lê Ngọc Phước - TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn nhấn mạnh, tỉnh mong muốn lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận của các giáo sư, phó giáo sư tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đầu ngành về mức độ ảnh hưởng của dự án điện mặt trời đến cảnh quan, môi trường, nguồn thủy sản, sinh kế của cộng đồng dân cư sống quanh khu vực đầm An Khê, từ đó, tỉnh sẽ xem xét kỹ lưỡng việc nên hay không nên triển khai dự án này. Quan điểm của tỉnh là luôn đặt lên hàng đầu công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích để hướng tới phát triển một cách bền vững.

Có 17 tham luận được trình bày tại Hội nghị, chủ yếu tập trung nêu rõ giá trị, vai trò của đầm nước ngọt An Khê trong bảo tồn không gian văn hóa - sinh tồn của cư dân Sa Huỳnh cổ và ảnh hưởng của dự án điện mặt trời trên đầm An Khê đến di tích văn hóa Sa Huỳnh; định hướng quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi; vai trò của đa dạng sinh học ở đầm An Khê - Sa Huỳnh đối với sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ngãi…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Liêm, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Tổng biên tập Tạp chí Khảo cổ học cho rằng, vùng Sa Huỳnh khu vực đầm An Khê luôn là địa bàn trọng tâm của văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung; có ý nghĩa, vị trí quan trọng đối với nền văn hóa Sa Huỳnh trong các giai đoạn nghiên cứu và nhận thức về văn hóa Sa Huỳnh. Chính vì vậy, việc nghiên cứu và bảo tồn cảnh quan đầm An Khê - Sa Huỳnh là rất cấp thiết và tiếp tục tạo ra một bước ngoặt, một điểm nhấn trong quá trình nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa Sa Huỳnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Chí Hoàng, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho biết, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển là rất gay gắt nên việc giải tỏa sức ép phát triển này để bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích cần phải có ngay các giải pháp căn bản, nhất là quy hoạch vùng lõi di tích. Phạm vi vùng lõi được hoạch định mới cần phải mạnh dạn khẳng định vai trò của đầm An Khê trong đời sống cộng đồng cư dân cổ từng sinh sống và phát triển trong quá khứ và ngay trong cuộc sống đương đại.

Theo ông Bùi Chí Hoàng, việc tiếp tục đầu tư cho khu vực này là rất cần thiết trước hết là các thủ tục pháp lý để thực hiện quy hoạch tổng thể khu di tích với đầm An Khê và cả hoạch định các giải pháp phát huy giá trị đầm An Khê chứ không chỉ khai thác nó như một nguồn lợi sinh kế của cộng đồng cư dân quanh đầm. Bên cạnh đó, cần tiếp tục điền tra, khai quật khảo cổ học, lập hồ sơ khoa học nhằm xác định giá trị di sản văn hóa, tăng cường hợp tác trong nước để bổ sung nhà trưng bày một cách đầy đủ và toàn diện hơn. “Điện mặt trời chắc chắn sẽ để lại hậu quả và thật sự không bền vững. Và khi đầm An Khê không được bảo tồn, gìn giữ nguyên vẹn thì việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt là khó thực hiện”- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Chí Hoàng bày tỏ.

Quảng Ngãi: Cần bảo tồn, phát huy vai trò của đầm An Khê gắn với không gian văn hóa - sinh tồn của cư dân Sa Huỳnh cổ ảnh 2 GS.TS Trương Quốc Bình, nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Ngọc Phước - TTXVN

Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình, nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa nêu, một trong những hạn chế lớn nhất của các dự án điện mặt trời là việc chiếm dụng không gian lắp đặt hệ thống pin mặt trời trên diện tích lớn và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường, đặc biệt là sự tồn tại và phát triển của các loại động thực vật. Hầu hết các dự án này đều được tạo lập ở những khu vực đồi trọc chứ chưa từng thấy triển khai trên mặt đầm nước như ở An Khê. Ông Trương Quốc Bình kiến nghị, tỉnh Quảng Ngãi nên cân nhắc, cho các nhà đầu tư lựa chọn một phương thức đầu tư khác hoặc tại một địa điểm khác để triển khai dự án điện mặt trời, phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước. Song song với đó, là từng bước thực hiện việc bảo vệ và phát huy giá trị của đầm An Khê - một khu di tích và thắng cảnh đặc biệt, một tài nguyên du lịch đặc sắc của tỉnh Quảng Ngãi.

Được biết, trong quá trình nghiên cứu, giới khảo cổ nhận định Quảng Ngãi là địa phương có nhiều liên quan đến nền văn hóa Sa Huỳnh hơn cả. Đồng thời, đây cũng là nơi mà nền văn hóa này mở rộng trong không gian cư trú - từ duyên hải ra tận hải đảo rồi lên vùng núi cao.

Với 26 di tích được khai quật, hơn 80 địa điểm phát hiện hiện vật và nghiên cứu, Quảng Ngãi là địa phương có mật độ phân bố dày đặc các di tích của nền văn hóa Sa Huỳnh. Nơi đây không chỉ là cái nôi của nền văn hóa Sa Huỳnh mà còn có nền văn hóa tiền Sa Huỳnh tồn tại xuyên suốt thời gian hơn 1.000 năm trước khi văn hóa Sa Huỳnh phát triển rực rỡ.

Văn hóa Sa Huỳnh được ghi nhận là một trong ba trung tâm văn hóa quan trọng nhất trong thời đại kim khí Việt Nam. Nền văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba cái nôi cổ xưa của nền văn minh trên lãnh thổ Việt Nam, cùng với văn hóa Đông Sơn và văn hóa Óc Eo.

Với những nội dung giá trị tiêu biểu này, Quần thể di tích Sa Huỳnh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1997. Cùng với đó, do hội đủ những giá trị đặc biệt, đáp ứng tiêu chí để xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt nên UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có tờ trình đề nghị Trung ương xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt các di tích Văn hóa Sa Huỳnh ở khu vực Long Thạnh, Phú Khương và Thạnh Đức thuộc phường Phổ Thạnh và xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ.

Lê Phước Vĩnh Trọng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm