Quảng Nam mở rộng sinh cảnh, đa dạng nguồn thức ăn cho các loài động vật quý hiếm

Quảng Nam mở rộng sinh cảnh, đa dạng nguồn thức ăn cho các loài động vật quý hiếm

Ngày 5/1, Chi Cục trưởng Chi cục kiểm lâm Quảng Nam Trần Văn Thu cho biết: Trong quá trình điều tra để xây dựng khu bảo vệ các loài động vật quý hiếm tại khu vực núi Hòn Dồ, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, cơ quan chức năng đã ghi nhận có sự hiện diện của một số loài động thực vật quý sinh sống trong khu vực này.

Tiêu biểu trong số này là một số cá thể, được xác định là Culi nhỏ. Đây là loài nằm trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, thuộc nhóm IB theo Nghị định 06/2019 NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ.

Trong khu vực núi Hòn Dồ còn hiện diện các loài động vật quý, hiếm, như Cầy vòi hương, Mang, Cheo cheo, một số loài chim, ếch nhái và bò sát.

Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Nam phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng phương án bảo vệ tốt nhất đối với các loài động vật này, nhằm ngăn ngừa nguy cơ chúng bị săn bắn, bẫy trộm trái phép.

Cũng tại núi Hòn Dồ, thuộc xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, năm 2018, các cơ quan chức năng và người dân địa phương phát hiện đàn voọc chà vá chân xám khoảng 50 con đang sinh sống. Đây là loài đặc hữu của Việt Nam, thuộc nhóm IB theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước quốc tế về chống buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Quảng Nam mở rộng sinh cảnh, đa dạng nguồn thức ăn cho các loài động vật quý hiếm ảnh 1Voọc chà vá chân xám sống tại núi Hòn Dồ, thuộc thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành. Ảnh: baochinhphu.vn

"Kết quả khảo sát của Trung tâm GreenViet trong tháng 10/2020 trên khoảng 30 ha rừng tự nhiên ở núi Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông và Dương Bản Lầu, thuộc thôn Tú Mỹ và Tịnh Sơn, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam có tổng 68 cá thể voọc chà vá chân xám trong 6 đàn (gia đình). Đây là quần thể voọc chà vá chân xám duy nhất trên thế giới dễ dàng quan sát được ngoài tự nhiên" - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam Trần Văn Thu cho biết.

Tuy nhiên theo Chi cục kiểm lâm Quảng Nam và chính quyền địa phương, đe dọa đến sự tồn tại, phát triển của các động vật quý hiến này là mất rừng, suy thoái rừng, chia cắt sinh cảnh, bị cô lập, săn bắn, bẫy bắt phục vụ các nhu cầu, thị hiếu của một bộ phận người như làm thức ăn, nuôi làm cảnh, nấu cao, ngâm rượu dẫn đến số lượng, chất lượng quần thể ngoài tự nhiên suy giảm.

Để bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám và các loài động thực vật quý mới phát hiện trong khu vực này, bên cạnh việc bảo vệ nghiêm ngặt 30 ha rừng tự nhiên còn lại tại các hòn núi Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông, Dương Bản Lầu, tỉnh Quảng Nam đang tiến hành các thủ tục cần thiết để chuyển đổi mục đích sử dụng ít nhất 150 ha từ rừng sản xuất thành rừng đặc dụng, phát triển một số cây bản địa nhằm mở rộng sinh cảnh, đa dạng nguồn thức ăn, đảm bảo môi trường sống phù hợp cho sự phát triển bền vững của quần thể linh trưởng quý, hiếm này.

Đoàn Hữu Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm