Nhiều khoản thì “xé lẻ” để nộp
Một trong những khoản thu được nhiều phụ huynh quan tâm đó là quỹ trường, quỹ lớp. Mức thu này khác nhau ở mỗi trường, lớp, bậc học. Cùng chung khối lớp của một trường, mức thu cũng có sự khác biệt.
Chị Phương Hà, một phụ huynh ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Bên cạnh những khoản thu mà phụ huynh tự nguyện đóng, thì khoản thu quỹ trường, quỹ lớp khiến nhiều phụ huynh không hài lòng. Với mức thu là 800.000 đồng cho mỗi học sinh là nhiều với bậc mầm non. Trong khi đó cháu tôi học lớp 8 một trường có tiếng ở quận Hai Bà Trưng, mức thu cả năm học là 1 triệu đồng”.
|
Năm nay có một điểm mới là tăng phí thu bảo hiểm y tế. Khá nhiều phụ huynh đều cảm thấy “chóng mặt” với khoản thu này. Ở khoản thu này, mỗi trường cũng thu một kiểu. Theo ghi nhận của PV thì mức thu này ở trường Tiểu học Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai là 507.150 đồng/học sinh/năm còn, trường tiểu học Trung Văn, quận Nam Từ Liêm thu 543. 375 đồng (15 tháng) học sinh/năm.
Do có vài chục đầu mục khoản thu một lúc nên nhiều trường đã “xé lẻ” các khoản thu này để “trấn an” phụ huynh. Với những khoản thu quỹ phụ huynh thì phụ huynh sẽ đóng cho Ban đại diện cha mẹ phụ huynh. Còn các khoản thu theo quy định thì phụ huynh sẽ đóng cho kế toán nhà trường và có hóa đơn.
Không ít phụ huynh dù còn băn khoăn, thậm chí là không đồng ý với một vài khoản thu, nhưng đành “bấm bụng” cho qua vì không muốn con mình “bị nêu tên” hoặc “được quan tâm”.
Vấn nạn bao giờ kết thúc
Trước đây, tình trạng khi đưa ra một số khoản thu tự nguyện, nhà trường đưa ra và “nhờ” Ban phụ huynh vận động các phụ huynh trong lớp. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến. Nhưng đến nay, những khoản thu này đã trở nên rõ ràng hơn khi ngành giáo dục Hà Nội đã đưa vào quy định. Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Nội thì cần làm rõ trách nhiệm của Ban phụ huynh. Ban phụ huynh chỉ thu quỹ phụ huynh (quỹ trường, quỹ lớp), tiền đồng phục. Còn các khoản khác theo quy định thì nộp trực tiếp cho trường. Và Ban phụ huynh không được thu bất cứ khoản nào khác. Nếu trường nào không thực hiện đúng là vi phạm. Sở tiếp nhận tất cả những thông tin về các khoản thu không đúng quy định từ phía phụ huynh”.
Theo ông Trần Xuân Nhĩ, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam thì cần có một cơ quan kiểm tra độc lập những khoản thu này và xử lý quy định của ngành giáo dục thì chắc chắn “tệ nạn” tiền trường sẽ giảm đi nhiều.
Ngay từ đầu năm học, ngành giáo dục Hà Nội đã tổ chức 21 đoàn kiểm tra công tác đầu năm học 2015 - 2016 tại 30 quận, huyện, thị xã và trường trực thuộc trên địa bàn thành phố. Cùng với việc rà soát các điều kiện phục vụ năm học mới như cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên,… công tác thu chi tài chính, chủ yếu là các khoản thu khác, là nội dung được đặc biệt quan tâm trong đợt kiểm tra này. Việc kiểm tra này diễn ra đột xuất và kết thúc vào giữa tháng 10/2015.
Thông tin tại buổi giao ban báo chí, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Hà Nội cho biết: Sở tiếp nhận tất cả những thông tin từ truyền thông, phụ huynh về những nội dung thu chi trái với quy của ngành giáo dục. Sau đó, sẽ có những văn bản thống kê và gửi cho các UBND quận, huyện, yêu cầu xử lý theo thẩm quyền phân cấp quản lý. Còn những trường thuộc sự quản lý của Sở GD - ĐT Hà Nội thì sẽ có biện pháp xử lý theo đúng quy định.
Ông Nguyễn Hiệp Thống cũng chia sẻ rằng với một khoản tiền đóng ra phục vụ trực tiếp cho con em thì nhiều phụ huynh không khó khăn. Nhưng quan trọng là việc đóng tiền ấy không được bổ đầu người khó khăn, gia đình đông con. Việc nữa mà các phụ huynh cần là sự minh bạch. Nên khi bầu ra trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh, bầu ra ủy viên Ban đại diện cha mẹ học sinh thì những người đó phải thực sự vì quyền lợi các em. Họ phải thực sự giúp cho việc quản lý của hiệu trưởng, các nhà trường quay lại phục vụ trực tiếp cho việc dạy và học của nhà trường.