Ngày 15/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1369/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu đến năm 2030 An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; có kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; là trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao; trung tâm du lịch sinh thái của vùng; đầu mối giao thương, hợp tác với Vương quốc Campuchia; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội ổn định; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân được ấm no, hạnh phúc.
Về kinh tế, An Giang phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 7%/năm. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 20%; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 25%; khu vực dịch vụ khoảng 50%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 5%. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 157 triệu đồng. Kinh tế số đạt trên 20% GRDP.
Về xã hội, dân số tăng bình quân 0,9%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 39%. Tỷ lệ đô thị hóa trên 50%.
Tầm nhìn đến năm 2050, An Giang là tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN; bản sắc văn hóa thống nhất trong đa dạng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh và mang đậm văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long. Quốc phòng, an ninh vững mạnh, trật tự, an toàn xã hội ổn định, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp
Về phương hướng phát triển, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản An Giang sẽ đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm. Tập trung phát triển 3 nhóm sản phẩm chủ lực hiện có gồm: lúa gạo; cá tra; rau màu, cây ăn trái và 2 nhóm sản phẩm mới phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh gồm: chăn nuôi bò và nấm ăn, nấm dược liệu. Chú trọng, nghiên cứu phát triển giống nông nghiệp, thủy sản và dược liệu.
Cùng với đó, tích tụ ruộng đất, cánh đồng lớn để hình thành các vùng chuyên canh, vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa quy mô lớn, các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung ở xa khu dân cư; khuyến khích các cơ sở chăn nuôi ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, bảo đảm an toàn dịch bệnh; hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Khai thác thủy sản gắn với bảo vệ và phục hồi nguồn lợi thủy sản tại địa phương.
Đồng thời, xây dựng trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng nguyên liệu thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo, kết nối với các trung tâm đầu mối nông nghiệp, thủy sản khác của vùng.
Xây dựng các cụm liên kết công nghiệp chuyên ngành chế biến lương thực phẩm
An Giang ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến công nghệ cao, thân thiện môi trường, gắn với vùng nguyên liệu tập trung; phát triển công nghiệp chế tạo phục vụ cho các lĩnh vực nông nghiệp.
Tập trung phát triển vững chắc công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm. Đổi mới, nâng cấp công nghệ cho các ngành chế biến các sản phẩm từ gạo, cá tra. Xây dựng các cụm liên kết công nghiệp chuyên ngành chế biến lương thực, thực phẩm, thúc đẩy tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, An Giang đẩy mạnh phát triển dịch vụ nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ hiện đại, có giá trị gia tăng cao, như logistics, thương mại điện tử, thương mại quốc tế, công nghệ thông tin và truyền thông, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo.
TTXVN