Tàu cá chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN |
Theo đó, nhiều giải pháp được đưa ra theo khuyến nghị của EU bao gồm: sửa đổi khung pháp lý đảm bảo tuân thủ quy định khu vực và quốc tế; đảm bảo thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật được sửa đổi về IUU; thực hiện hiệu quả quy định quốc tế và các biện pháp quản lý thông qua chế tài xử phạt nghiêm minh; khắc phục tồn tại về hệ thống theo dõi, kiểm tra, giám sát theo yêu cầu của quốc tế và khu vực đảm bảo phục vụ cho chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác; cải thiện hệ thống quản lý tàu cá; quản lý cường lực khai thác phù hợp; tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực; tuân thủ quy định việc thu thập và báo cáo dữ liệu nghề cá… Cụ thể, từ nay đến 30/12/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ban hành một số Thông tư sửa đổi, bổ sung; trong đó, quy định thẩm quyền xác nhận nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác của Ban quản lý cảng cá, sửa đổi các biểu mẫu về nhật ký khai thác; trình tự, thủ tục quản lý nguyên liệu thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam; ban hành danh mục các loài thủy sản cấm khai thác. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc về IUU với 28 tỉnh, thành phố ven biển; tổ chức các Hội nghị hướng dẫn địa phương về các giải pháp cấp bách có tính kỹ thuật để kiểm soát hoạt động thủy sản tại cảng; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nghề cá theo hướng tích hợp các thông tin về tàu cá, giấy phép khai thác, nhật ký khai thác và sản lượng lên bến để quản lý nghề cá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; thực hiện các quy định về kiểm soát nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu; xây dựng các quy định và tổ chức thực hiện việc cấm khai thác IUU với các loài hải sâm, trai tai tượng... Để khắc phục những tồn tại về hệ thống theo dõi, kiểm tra, giám sát theo yêu cầu của quốc tế và khu vực đảm bảo phục vụ cho chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phân bổ thiết bị đầu cuối lắp đặt trên tàu cá thuộc dự án Movimar và chia sẻ dữ liệu quản lý cho các địa phương; nâng cấp Trạm bờ tại Tổng cục Thủy sản và 28 tỉnh, thành phố ven biển đảm bảo thiết bị HF kết nối tự động cho trên 9.000 tàu cá đã được lắp đặt. Đồng thời, tổ chức lại bộ máy quản lý của cảng cá đảm bảo đủ năng lực kiểm soát tàu cá ra vào cảng, thu nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thủy sản và xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác. Xây dựng cơ sở dữ liệu giám sát hoạt động tàu cá (VMS) chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa Tổng cục Thuỷ sản và 28 tỉnh, thành phố ven biển, các cơ quan chức năng có liên quan. Đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý, đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản đồng bộ, chia sẻ từ Trung ương đến địa phương... Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ công bố trữ lượng nguồn lợi thủy sản đã được điều tra ở một số vùng biển làm cơ sở quy hoạch, tổ chức lại đội tàu khai thác hản sản phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi thủy sản. Phê duyệt Quy hoạch khai thác hải sản xa bờ đến 2020, tầm nhìn 2030; chỉ đạo UBND các tỉnh ven biển kiểm soát số lượng tàu cá đóng mới theo quy hoạch. Tiếp tục thực hiện các quy định về hạn chế, cấm phát triển đóng mới tàu cá ven bờ, ra quy định về cấm đóng mới tàu làm nghề lưới kéo, chuyển đổi tàu cá làm nghề lưới kéo sang khai thác thân thiện với môi trường; sửa đổi kế hoạch quản lý cá ngừ phù hợp quy định quốc tế.
Thành Trung