Đàn bò sữa được nuôi thả trong môi trường tự nhiên theo hướng hữu cơ tại Công ty cổ phần sữa Vinamilk (Lâm Đồng). Ảnh: Nguyễn Dũng |
Lâm Đồng là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng bò sữa và sản lượng sữa. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 21.000 con bò sữa với khoảng 1.300 hộ, trang trại chăn nuôi, tập trung chủ yếu tại các huyện: Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà và thành phố Bảo Lộc. Năng suất sữa tươi đạt bình quân 20 lít/ ngày/con (khoảng 6.000 lít/ chu kỳ/con), tổng sản lượng sữa đạt trên 80.000 tấn/năm. Nhìn chung, lượng sữa tươi sản xuất ra được thu mua hết nhờ 3 đơn vị đóng chân trên địa bàn là: Công ty cổ phần sữa Vinamilk, Công ty Cô gái Hà Lan, Công ty cổ phần sữa Đà Lạt (Dalatmilk).
Từ chăn nuôi bò sữa, nhiều hộ nông dân ở huyện Đơn Dương đã có cuộc sống ổn định, thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Nguyễn Dũng |
Đến Đơn Dương trong những ngày đầu xuân mới, huyện đi đầu trong phong trào nuôi bò sữa ở Lâm Đồng, chúng tôi được biết, toàn huyện hiện có 12.390 con bò sữa, trong đó có trên 5.700 con đang khai thác với sản lượng sữa bình quân 100 tấn/ngày; tổng doanh thu từ nguồn sữa tươi đạt 1,3 tỷ đồng/ngày. Từ chăn nuôi bò sữa, nhiều hộ nông dân đã có cuộc sống ổn định, thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng/năm. Điển hình như các hộ gia đình anh K’Phục, ông K’Sin, là những người dân tộc K’ho ở thôn Đ’Ròn, xã Đạ Ròn.
Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ trước khi thu hoạch sữa. Ảnh: Nguyễn Dũng |
Những trang trại bò sữa đạt chuẩn chất lượng cao tại Lâm Đồng còn thu hút nhiều người làm công tác nghiên cứu, người nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Ảnh: Nguyễn Dũng |
Để phát triển đàn bò sữa bền vững, Lâm Đồng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi bò, tập trung xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Dũng |
Lâm Đồng là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng bò sữa và sản lượng sữa. Ảnh: Nguyễn Dũng |
Xác định chăn nuôi bò sữa là ngành kinh tế mũi nhọn, Lâm Đồng đã ban hành Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa, qua đó xây dựng mô hình chăn nuôi tiêu biểu, lai tạo giống; đào tạo, tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật cho nông dân. Đề án cũng đưa ra các giải pháp phát triển giống bò sữa HF thuần, đổi mới quy trình chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, an toàn sinh học, hỗ trợ phân giới tính, đổi mới công nghệ sản xuất thức ăn… Để phát triển đàn bò sữa bền vững, Lâm Đồng đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi bò và chế biến sữa, tập trung xây dựng chuỗi giá trị liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm sữa tươi nguyên liệu, doanh nghiệp ký hợp đồng trực tiếp với từng hộ chăn nuôi hoặc thông qua hợp tác xã chăn nuôi... Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2020, tổng đàn bò sữa trên địa bàn đạt 25.000 - 30.000 con, sản lượng sữa tươi đạt 100.000 - 120.000 tấn/năm, trên 95% sản lượng sữa của nông dân được doanh nghiệp thu mua.
Nguyễn Dũng