Phát triển kinh tế dược liệu gắn với du lịch và OCOP

Phát triển kinh tế dược liệu gắn với du lịch và OCOP

Lào Cai là 1 trong 8 vùng trồng dược liệu có thế mạnh của Việt Nam theo quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dược liệu cũng là cây trồng chủ lực được trong Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong bối cảnh ngành nông nghiệp có xu hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, xu hướng dịch chuyển từ “trồng dược liệu” sang “kinh tế dược liệu” là tất yếu và đang đem lại những hiệu quả đáng ghi nhận.

*Phát triển kinh tế dược liệu

Kinh tế dược liệu là ngành kinh tế nông - công nghiệp và dịch vụ tổng hợp, không đơn thuần là khai thác dược tính của cây thuốc để điều trị mà còn liên quan đến kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Trong đó, một trong những tiềm năng lớn có thể khai thác khi phát triển kinh tế dược liệu tại Lào Cai là gắn với kinh tế du lịch.

Bải hoải sau một ngày trời đi bộ ròng rã đi tham quan các điểm du lịch của xã Tả Van, thị xã Sa Pa, về đến homestay (là loại hình dịch vụ lưu trú mà khách du lịch sẽ nghỉ, ngủ tại nhà người dân bản địa) của bà Lương Thị Chi, người Giáy ở thôn Tả Van Giáy, đoàn khách du lịch đến từ Thành phố Hồ Chí Minh được bà chủ đun ngay cho một nồi nước tắm.

Phát triển kinh tế dược liệu gắn với du lịch và OCOP ảnh 1Phụ nữ Dao đỏ sơ chế thuốc tắm. Ảnh: Lục Hương Thu - TTXVN

Làn nước màu huyết dụ, sánh như mật ong được đựng trong chiếc bồn làm bằng gỗ pơ mu bốc lên làn hơi nóng và mùi thơm ngai ngái, ngòn ngọt rất đặc trưng từ 25 loại thảo dược có tác dụng hỗ trợ phục hồi sức khoẻ, xua tan mệt mỏi.

"Chừng mười phút sau, tôi cảm nhận rõ cơ thể mình dần hồi phục, đầu óc tỉnh táo trở lại. Kết thúc cữ ngâm 35 phút, toàn thân tôi nhẹ nhõm, da dẻ hồng hào, đầu óc khoan khoái", chị Phạm Ngân Hạnh, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Đến khi ngồi vào mâm ăn cơm, các du khách càng tỏ vẻ thích thú. Bữa cơm có món xôi 7 màu thơm nức nhuộm từ các loại lá cây thảo dược vườn nhà; thịt dê xào với thảo quả, gừng tươi, lá thắng cố; nộm hoa chuối; cá lam ống nứa, rau dớn...

Phát triển kinh tế dược liệu gắn với du lịch và OCOP ảnh 2 Phụ nữ người Dao đỏ pha nước tắm cho khách du lịch. Ảnh: Lục Hương Thu - TTXVN

Sa Pa nức tiếng là một địa danh du lịch nhưng đồng thời cũng Sa Pa vựa dược liệu của tỉnh Lào Cai nơi dấu ấn của dược liệu rất đậm nét trong đời sống hàng ngày của người dân địa phương mà gia đình bà Chi cũng không là ngoại lệ.

Trước đây, gia đình bà Chi và cư dân bản địa vẫn thường xuyên sử dụng các loại dược liệu tự nhiên quanh mình vào trong đời sống sinh hoạt như ăn uống, tắm gội.

Bà Lương Thị Chi cho biết: "Từ khi mở homestay làm dịch vụ du lịch, gia đình tôi đã tăng thêm diện tích trồng thuốc tắm và các loại dược liệu dùng làm rau và gia vị phục vụ du khách". Từ đây, các sản phẩm từ thảo dược, những món ăn, bài thuốc quý của người dân địa phương cũng đã và đang trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo.

Không chỉ gắn với du lịch, nhiều thảo dược Lào Cai đang trở thành sản phẩm OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) đem lại nhiều giá trị sản xuất nông nghiệp.

Từ cây đài bi, màng tang mọc hoang dại đến cây sả, tía tô... bình dị, dân dã trong vườn nhà, chàng thanh niên người Tày An Văn Tuấn (33 tuổi), thôn Ken 2, xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, đã tạo ra những sản phẩm thiên nhiên tốt cho sức khỏe, mang lại giá trị kinh tế cao.

Anh Tuấn cho biết, ban đầu, anh nghiên cứu cho ra các sản phẩm thảo dược vì muốn tránh dùng thuốc Tây, bảo vệ sức khỏe của con nhỏ và gia đình từ các bệnh thông thường như cảm, hạ sốt, nhức đầu, ho, hen suyễn đến bệnh lý mãn tính như dạ dày, gút...

"Sau khi nhận thấy hiệu quả rõ rệt của sản phẩm đối với người nhà lại không có tác dụng phụ, tôi bắt tay vào nghiên cứu thị trường, vùng nguyên liệu sản phẩm và nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp bằng các loại cây cỏ thân thuộc quanh mình", anh Tuấn chia sẻ.

Đầu năm 2020, Hợp tác xã Thế Tuấn do anh làm Giám đốc đã cho ra mắt 3 sản phẩm chính là tinh dầu sả java, tinh dầu đài bi và tinh dầu màng tang, canh tác hoàn toàn theo phương thức hữu cơ với sản lượng trên 10.000 lít tinh dầu/tháng, thu lãi hàng tỷ đồng/năm và tạo việc làm ổn định cho trên 20 lao động địa phương.

Không dừng lại ở sản phẩm tinh dầu, hiện Hợp tác xã Thế Tuấn tiếp tục cho ra đời nhiều sản phẩm từ thảo dược vườn nhà. Trong đó, các sản phẩm Trà túi lọc Đại Từ Bi, Trà túi lọc tía tô, Trà búp tía tô đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

*Gắn dược liệu với du lịch và OCOP

Nhằm phát triển các nhóm cây dược liệu, đặc biệt là các loại dược liệu đặc hữu, dược liệu quý thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Quyết phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, từ nay đến năm 2030, tỉnh Lào Cai sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng phát triển các sản phẩm dược liệu gắn với du lịch và chương trình OCOP.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai có khoảng 850 loài cây thuốc, trong đó có 70 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn. Đặc biệt, Lào Cai có nhiều loài quý hiếm có giá trị y dược rất cao, là thành phần chính để sản xuất các loại biệt dược như: sâm Hoàng Liên, bình vôi, tam thất, chè dây, giảo cổ lam, thất diệp nhất chi hoa, đỗ trọng,…

Phát triển kinh tế dược liệu gắn với du lịch và OCOP ảnh 3Chuẩn bị nguyên liệu quế để cung cấp cho doanh nghiệp ở xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Hiện, các mô hình sản xuất dược liệu kết hợp du lịch tại Lào Cai ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các mô hình du lịch dịch vụ thắm thuốc, ngâm chân, xông hơi và các sản phẩm từ dược liệu làm quà tặng như cao Atiso, trà thảo dược, tam thất, các loại mỹ phẩm từ dược liệu,…

Dự kiến, lượng khách du lịch đến Lào Cai sẽ tăng mạnh với khoảng trên 5 triệu lượt khách/năm; nếu mỗi du khách mua hoặc sử dụng một sản phẩm/dịch vụ từ thảo dược thì giá trị thu ước đạt trên 500 tỷ đồng từ các sản phẩm như ẩm thực, mỹ phẩm, thuốc tắm, chất tẩy rửa hữu cơ, sản phẩm chức năng…

Tính đến nay, Lào Cai đã có 163 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có nhiều sản phẩm là thảo dược như: Cao mềm Atiso Sa Pa; Viên nang đông trùng hạ thảo; Trà phun sương Atiso Sa Pa; Cao phun sương Atiso Sa Pa; Trà túi lọc dây leo Sa Pa; Trà túi lọc giảo cổ lam Sa Pa; Trà túi lọc Linh chi; Trà tam thất Simacai… Các sản phẩm này đã và đang hấp dẫn du khách, làm món quà cho du khách mang nét đặc trưng riêng có của Lào Cai.

Lào Cai phấn đấu đến năm 2030, duy trì và phát triển diện tích dược liệu của tỉnh đạt khoảng 5.000 ha. Tỉnh phát triển tối thiểu 2 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu; xây dựng thương hiệu từ 2 - 3 sản phẩm dược liệu và có thêm từ 3 - 5 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

Đồng thời, hình thành 5 nhóm sản phẩm dược liệu gắn với du lịch; hình thành ít nhất 5 điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm gắn với dược liệu tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên.

Để đạt được mục tiêu này, Lào Cai sẽ tiếp tục xây dựng ổn định vùng nguyên liệu bằng việc bảo tồn các loài cây dược liệu quý tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên, Văn Bàn; khuyến khích các doanh nghiệp, Hợp tác xã đầu tư nâng câp dây truyền chế biến, tăng cường xúc tiến, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu và phát triển các sản phẩm OCOP.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm