Bà con xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) thu hoạch cây Đương quy. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN |
Huyện Sìn Hồ được biết đến là nơi có khí hậu nhiệt đới mát mẻ quanh năm, độ cao 1.500m so với mặt nước biển, rất thuận lợi để phát triển vùng dược liệu của tỉnh Lai Châu. Hiện nay, trên địa bàn huyện đang phát triển một số loại dược liệu như: đương quy, đỗ trọng, sâm cát cánh, thất diệp lục nhất chi hoa được trồng tại các xã: Sà Dề Phìn, Phăng Sô Lin, Tả Phìn, Làng Mô, Tả Ngảo... Tận dụng tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, huyện Sìn Hồ đã lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất để đầu tư trồng hơn 20ha cây đương quy ở xã: Phăng Xô Lin, Tả Phìn, Sà Dề Phì, Tả Ngảo. Nhờ chăm sóc tốt cây dương quy đã bén rễ cho mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, ngô, cây hoa màu khác trên cùng một diện tích canh tác. Anh Mùa A Dì, dân tộc Mông ở bản Sà Dề Phìn, xã Sà Dề Phìn chia sẻ: "Gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi 600m2 ruộng 1 vụ và cải tạo vườn tạp để chuyển sang trồng cây đương quy. Vụ thu hoạch vừa qua, gia đình đã thu gần 200 triệu đồng, hiệu quả kinh tế gấp 6 lần trồng cây lương thực có hạt. Với tiền thu được từ trồng đương quy đã giúp gia đình tôi và các hộ trong bản có thu nhập ổn định, mua sắm trang thiết bị phục vụ cuộc sống". Xã Pú Đao của huyện Nậm Nhùn có khí hậu nhiệt đới, cộng với việc chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, rất thuận lợi cho loại cây sa nhân tím sinh trưởng, phát triển và cho năng suất chất lượng cao. Do đó, huyện Nậm Nhùn đưa cây sa nhân tím vào trồng tại Pú Đao nhằm tận dụng diện tích đất trồng rừng chưa khép tán cũng như diện tích đất nương kém hiệu quả, tạo sinh kế lâu dài cho người dân, giúp phát triển kinh tế của địa phương. Đến nay, xã đã trồng được 46 ha; trong đó, có 42 ha trồng dưới tán rừng và 4 ha trồng trên đất nương. Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, tỉ lệ cây sống và sinh trưởng tốt đạt trên 95%. Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn Nguyễn Quang Hải cho hay, quỹ đất dưới tán rừng ở xã Pú Đao rất lớn, vì thế việc phát triển cây sa nhân tím dưới tán rừng mang lại nhiều lợi ích cho bà con. Sau này, sa nhân tím thu hoạch sẽ cho thu nhập bình quân dự kiến khoảng 30 - 50 triệu đồng/ha, cao hơn ba lần trồng lúa, ngô. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu, với trên 2/3 diện tích tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp, thảm thực vật phong phú, Lai Châu có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai rộng, có tiềm năng trong phát triển cây dược liệu quý hiếm. Vì vậy, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ, doanh nghiệp, người dân về bảo tồn, đầu tư phát triển cây dược liệu. Bên cạnh đó, tỉnh hướng dẫn các vùng sản xuất áp dụng quy trình kỹ thuật mới trong sản xuất, thu hái, bao gói, bảo quản để nâng cao chất lượng, mẫu mã khi tiêu thụ. Địa phương cũng đã lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình 30a, Chương trình xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ phát triển sản xuất, sự nghiệp khoa học… phát triển cây dược liệu. Bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh Lai Châu đã triển khai các đề tài, dự án, mô hình nghiên cứu một số loại cây dược liệu quý như nghiên cứu bảo tồn phát triển các loại sâm Lai Châu, tam thất hoang ở huyện Mường Tè; nghiên cứu bảo tồn, phát triển một số loài cây thuốc quý hiếm có giá trị kinh tế thuộc chi bảy lá một hoa; bảo tồn, phát triển xây dựng thương hiệu cây Lan Kim tuyến trên dãy Hoàng Liên Sơn… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải cho biết, hiện nay, tỉnh Lai Châu có 875 loài dược liệu; trong đó, có khoảng 20 loài cây thuốc thuộc diện nguy cấp, quí, hiếm cần bảo tồn như loài bảy lá một hoa, sâm Lai Châu, lan kim tuyến, hà thủ ô đỏ, đẳng sâm, đan sâm… Thời gian qua nhiều tổ chức, đơn vị trong, ngoài nước tiến hành khảo sát để định hướng đầu tư. Từ đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây dược liệu. Mặt khác, tỉnh cũng thông qua Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025 tầm nhìn 2030 trên địa bàn. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh bảo tồn một số cây dược liệu quý và xác định những loài cây chủ lực, định hướng quy mô, các khu vực phát triển để thu hút các tổ chức, doanh nghiệp đồng hành cùng người dân trồng và tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Hà Trọng Hải, một số khu vực vùng cao các huyện Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè, Tam Đường, nông dân đã chủ động trồng thử nghiệm một số cây dược liệu quý hiếm như sâm Lai Châu, bảy lá một hoa với tổng gần 3ha; 1,2ha đan sâm; 2ha đẳng sâm, cát cánh… Giá sâm tươi từ 20 - 70 triệu đồng/kg tùy tuổi, cây bảy lá một hoa 1 triệu đồng/kg; lan kim tuyến tươi từ 1,5 - 2 triệu đồng/kg…
Việt Hoàng