Ngày 30/7, tại Trà Vinh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Tỉnh ủy Trà Vinh tổ chức Hội thảo "Phát huy vai trò của người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo trong tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi".
Tham dự Hội thảo có hơn 50 đại biểu là lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố, cơ sở; người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo, cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng có sáng kiến, giải pháp tuyên truyền, vận động hiệu quả trong thúc đẩy bình đẳng giới tại 14 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ 2021-2030.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó khẳng định vai trò, sự đóng góp to lớn của đội ngũ người có uy tín. Tính đến năm 2023, cả nước có 28.538 người có uy tín; trong đó, 2.635 người là già làng, 3.178 người là trưởng thôn bản, 500 người là chức sắc các tôn giáo…
Thời gian qua, những người có uy tín luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động, là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà" để đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, đem lại đổi thay cho cuộc sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Trong 5 năm qua, Hội Phụ nữ tại các địa phương trong cả nước đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, tranh thủ được kinh nghiệm, sự am hiểu địa bàn, đối tượng, văn hóa, lễ nghi của các dân tộc, tôn giáo, đặc biệt là uy tín của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, chức sắc, chức việc các tôn giáo, cá nhân tiêu biểu khác để vận động người dân trong cộng đồng tích cực tham gia thực hiện các chương trình, phong trào Hội. Trọng tâm trong đó là Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", "5 có 3 sạch”, phong trào “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới", Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ 2021-2030.
Kết quả, từ năm 2019 đến nay, các cấp Hội của 33/50 tỉnh, thành phố địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi đã tổ chức hơn 25.300 cuộc tuyên truyền với nhiều nội dung đa dạng, vận động tạo nguồn vốn vay gần 280 tỷ đồng; hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm cho hơn 6.000 phụ nữ. Qua đó, giúp gần 300.000 gia đình giảm nghèo, thoát nghèo; gần 11.880 hộ đạt tiêu chí gia đình 5 không 3 sạch; hàng nghìn mô hình phát triển kinh tế, văn hóa dân tộc, văn nghệ, thể thao... được thành lập, duy trì hoạt động, thu hút đông đảo hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia...
Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân, vùng miền núi, dân tộc thiểu số của Việt Nam vẫn là lõi nghèo của cả nước. Bất bình đẳng giới vẫn tồn tại trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội khiến phụ nữ phải đối mặt nhiều thách thức; tập tục văn hóa cũ như ma chay, hiếu hỉ tốn kém, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, thách cưới, sinh nở tại nhà không có hỗ trợ y tế... vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, dân tộc, gây nhiều hệ luỵ, tiêu cực...
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, bài học hay trong quá trình tuyên truyền về công tác bình đẳng giới. Đồng thời, các đại biểu đề xuất giải pháp phát huy hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi suy nghĩ, xóa bỏ định kiến về khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, tập tục văn hóa không phù hợp để thúc đẩy bình đẳng giới.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Thị Hoa, quyền Viện trưởng Viện Tâm lý học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, để phát huy vai trò những người có uy tín, chức sắc tôn giáo trong thực hiện các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số vùng Tây Nam Bộ, trước hết phải vận động, giải thích, tuyên truyền cho người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo nhận diện rõ những vấn đề đang dẫn tới bất bình đẳng giới trong cộng đồng với đặc điểm cụ thể, rõ ràng trong phong tục tập quán, thành kiến, định kiến hay thói quen hành vi dẫn tới bất bình đẳng giới. Từ đó, họ sẽ lên kế hoạch để vận động, tuyên truyền phù hợp cho các nhóm đối tượng cụ thể.
Bình Phước là tỉnh miền núi, biên giới thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ; trong đó có 15 xã biên giới, 58 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tỉnh có hơn 1 triệu dân, với 41 dân tộc sống đan xen.
Bà Lê Thị Thái Thanh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Phước chia sẻ, Hội hiện có trên 20.100 hội viên nòng cốt, trong đó có trên 3.500 người là đồng bào dân tộc thiểu số, hơn 2.800 người có đạo. Đội ngũ hội viên nòng cốt đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng phong trào phụ nữ vững mạnh; là đội ngũ tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong thực hiện phong trào thi đua, cuộc vận động, hoạt công tác Hội và phong trào phụ nữ tại địa phương.
Đặc biệt đối với những vùng đồng bào dân tộc thiểu, vùng dân tộc tôn giáo, đội ngũ hội viên nòng cốt dân tộc, tôn giáo chính là “cánh tay phải”, “trợ thủ đắc lực” của đội ngũ cán bộ Hội cơ sở trong việc triển khai chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phong trào, hoạt động của Hội đến đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
Để công tác thúc đẩy bình đẳng giới đạt hiệu quả, bà Lê Thị Thái Thanh cho biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của hội viên nòng cốt là người dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, Hội rà soát, xây dựng, bồi dưỡng hội viên cốt cán uy tín trong cộng đồng, đảm bảo chất lượng, tâm huyết với tổ chức Hội, am hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Luật Bình đẳng giới…
Thanh Hòa