Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Đồng chí Hà Thị Nga, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Quang Thái- TTXVN
Đồng chí Hà Thị Nga, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Quang Thái- TTXVN

Ngày 13/9, tại tỉnh Gia Lai, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Gia Lai đã tổ chức Hội thảo với chuyên đề “Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù” khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ khu vực miền Trung - Tây Nguyên ảnh 1Đồng chí Hà Thị Nga, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Quang Thái- TTXVN

Tham dự có lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương; lãnh đạo các tỉnh/thành ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Dân vận, Ban Tổ chức, Ban Dân tộc và Hội Liên hiệp Phụ nữ của 19 tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

19 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh của cả nước. Từ những chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội chung của Đảng, Nhà nước, đời sống mọi mặt của phụ nữ khu vực miền Trung - Tây Nguyên được cải thiện rõ rệt. Đội ngũ cán bộ nữ tăng về số lượng và chất lượng, được trẻ hóa, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu, cao hơn so với nhiệm kỳ trước.

Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ khu vực miền Trung - Tây Nguyên ảnh 2Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Quang Thái- TTXVN

Đánh giá thực tế về những kết quả của công tác cán bộ nữ, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhìn nhận, bên cạnh những điểm sáng, vẫn còn những vấn đề thực tiễn rất đáng quan tâm. Chỉ số phát triển ở nhiều lĩnh vực khu vực miền Trung - Tây Nguyên còn thấp hơn mức trung bình cả nước. Tỷ lệ lao động được đào tạo thấp. Thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Tệ nạn xã hội, tội phạm, bạo lực gia đình diễn biến phức tạp (nhất là phụ nữ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số)… Tỷ lệ nữ nắm các chức vụ trong cấp ủy, chính quyền, nữ đại biểu Quốc hội và HĐND còn thấp. Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số là lãnh đạo chủ chốt chưa tương xứng với lực lượng cán bộ công chức nữ.

Bà Hà Thị Nga đề nghị, Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố nắm chắc tình hình và các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới trên địa bàn, từ đó đổi mới nội dung, phương thức hoạt động sát với yêu cầu thực tiễn; tham mưu giải quyết đúng, trúng những vấn đề liên quan; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiện toàn bộ máy tổ chức Hội nhằm thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác. Hội Phụ nữ các tỉnh, thành phố thường xuyên sâu sát tình hình và có trách nhiệm với công tác cán bộ nữ; tích cực, chủ động phát hiện, tạo nguồn, giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý và ứng cử vào cơ quan dân cử các cấp…; chủ động tham mưu cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng và xây dựng nguồn nhân lực nữ chất lượng cao. Ban dân vận các tỉnh, thành phố cần quan tâm đánh giá đúng tình hình nhân dân, phụ nữ ở địa phương, xác định cụ thể các vấn đề liên quan đến công tác phụ nữ.

Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ khu vực miền Trung - Tây Nguyên ảnh 3Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Lan, nguyên Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học - Học viện Chính trị quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trình bày tham luận cần nâng cao hiệu quả công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số theo tôn giáo. Ảnh: Quang Thái- TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị Ngọc Lan, nguyên Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học (Học viện Chính trị Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, cần nâng cao hiệu quả công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số theo tôn giáo. Khu vực Tây Nguyên có 54 dân tộc với 5.842.681 người (dân tộc thiểu số là 2.199.784 người, chiếm 37,65% dân số). Tây Nguyên là địa bàn có nhiều tôn giáo khác nhau; trong đó chủ yếu là Công giáo, Tin Lành, Phật giáo và Cao Đài, với tổng người theo đạo khoảng 2.301.884 người (2019), chiếm 36% dân số. Ngoài ra, khu vực này có nhiều hiện tượng tôn giáo mới (còn gọi là “đạo lạ”) với nguồn gốc và cách thức sinh hoạt khác nhau. Vì thế, mối quan hệ dân tộc và tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế...

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị Ngọc Lan, Hội Liên hiệp Phụ nữ với chức năng đại diện, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ phải có những biện pháp phù hợp, hiệu quả trong công tác vận động. các cấp, ngành cần tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ có đạo ở Tây Nguyên; thường xuyên tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội, nhất là cấp cơ sở; làm tốt công tác vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các chức sắc, hội nhóm tôn giáo trong công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số theo tôn giáo…

Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ khu vực miền Trung - Tây Nguyên ảnh 4Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Quang Thái- TTXVN

Về việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Ban dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ các nhóm phụ nữ đặc thù dân tộc thiểu số, khuyết tật, đơn thân, cao tuổi, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, lao động nữ di cư, chuyển đổi nghề.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp nhằm tiếp tục phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Quang Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm