Bằng việc xác định rõ vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng và tinh thần gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên, phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua đó góp phần làm đổi thay căn bản diện mạo nông thôn tại các địa phương.
Lộc Thịnh là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Ngọc Lặc. Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, địa phương này gặp không ít khó khăn. Để từng bước hoàn thành tiêu chí về nông thôn mới, cùng với việc ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, các chi bộ còn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới.
Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thịnh Phạm Ngọc Vinh chia sẻ, chương trình xây dựng nông thôn mới thực sự phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, hội viên trên địa bàn xã. Nhiều cán bộ, đảng viên, hội viên đã đi trước, thực hiện trước các tiêu chí nông thôn mới để người dân học tập, noi theo, nhất là trong hiến đất làm đường giao thông, đóng góp ngày công xây dựng công trình cơ sở hạ tầng.
Các cán bộ, đảng viên đã tiên phong trong phong trào hiến đất để hoàn thành tuyến đường liên xã qua thôn Lộc Thành với chiều dài 3,55 km, tổng vốn đầu tư 4,792 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới. Điển hình, đảng viên Bùi Văn Huệ, nguyên Chủ tịch UBND xã đã tiên phong hiến 450 m2 đất cho công trình. Đảng viên Quách Văn Thảo hiến 230 m2 đất nông nghiệp để mở rộng tuyến đường. Sau đó, 9/9 hộ dân bị ảnh hưởng đã tự nguyện hiến 1.820 m2 đất để mở rộng tuyến đường. Với sự đồng thuận của nhân dân, tháng 12/2020, tuyến đường hoàn thành, đưa vào sử dụng sau 4 tháng thi công.
Đảng viên Bùi Văn Huệ, nguyên Chủ tịch UBND xã Lộc Thịnh cho biết, trước đây, nhiều tuyến đường trong thôn còn nhỏ hẹp khiến việc đi lại, giao thương của bà con không thuận lợi. Sau khi biết có chủ trương của xã, của thôn về việc hiến đất để mở rộng đường, ông xác định bản thân là đảng viên nên luôn gương mẫu đi đầu hiến gần 500 m2 đất để làm đường. Sự gương mẫu đi đầu của gia đình ông đã góp phần lan tỏa tới nhiều hộ dân khác. Đường sá đẹp hơn, rộng hơn, việc đi lại cũng như phát triển kinh tế của người dân thuận lợi hơn nên người dân rất phấn khởi…
Với phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, đội ngũ đảng viên, đặc biệt là các Bí thư Chi bộ thôn ở xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa) đã trở thành hạt nhân xung kích trong việc ủng hộ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu nông thôn. Việc làm thiết thực của những đảng viên “đầu tàu” đã có sức lan tỏa lớn, khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở xã Hoằng Xuân.
Thôn Hữu Khánh có 354 hộ dân, với 1.186 nhân khẩu và chi bộ thôn có 48 đảng viên. Đầu năm 2021, sau khi được Đảng ủy, chính quyền xã lựa chọn để chỉ đạo điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Chi ủy chi bộ thôn ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và tổ chức hội nghị triển khai chủ trương, kế hoạch đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân. Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, Chi bộ đã phát huy vai trò “đầu tàu” của cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong giải phóng mặt bằng, hiến đất làm đường giao thông, đóng góp tiền, ngày công xây dựng các công trình phúc lợi của thôn…
Nhận thức rõ lợi ích lâu dài của việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đảng viên Lương Văn Lý đã tiên phong đóng góp 30 triệu đồng để làm đường điện chiếu sáng, sửa chữa nhà văn hóa và đường giao thông. Đảng viên Đặng Quang Trường vận động các con gửi 100 triệu đồng về ủng hộ quê hương xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Những đảng viên “gương mẫu, đi đầu” đã tạo sức lan tỏa đến nhân dân. Năm 2021, nhân dân thôn Hữu Khánh đóng góp 2,1 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng ở các khu dân cư với chiều dài 3,5 km; thảm nhựa 4 tuyến đường giao thông chiều dài 1,2 km; xây dựng cổng chào thôn; nâng cấp, mở rộng đường bê tông toàn thôn; sửa chữa, chỉnh trang lại công trình nhà văn hóa thôn...
Ông Nguyễn Quốc Oai, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Xuân cho biết, ý Đảng, lòng dân chính là nguồn lực to lớn để Hoằng Xuân có sự “thay da, đổi thịt”. Dẫu vậy, để khơi dậy sức dân trong xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn như đường giao thông, nhà văn hóa, khu văn hóa thể thao, điện chiếu sáng phải kể đến vai trò tiên phong của đảng viên. Nhờ vậy, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao của xã Hoằng Xuân là hơn 480 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi hơn 40 tỷ đồng và hiến đất, chỉnh trang nhà ở, cổng ngõ trị giá 268 tỷ đồng, còn lại hơn 171 tỷ đồng là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, tín dụng...
Ông Dương Văn Giang, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho biết, toàn tỉnh có 11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 346/465 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 56 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 9 xã được công nhận chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ở cấp thôn/bản, hiện toàn tỉnh có 690 thôn, bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 214 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của đảng viên, người cao tuổi cùng đội ngũ cán bộ địa phương với vai trò gương mẫu, đi đầu.
Khiếu Tư