Bài 1: Cần thêm nhiều cơ chế mở Hiện các cơ sở ươm tạo (vườn ươm) đang hình thành và phát triển rộng khắp ở Việt Nam. Không chỉ tập trung ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… các địa phương khác trong cả nước cũng thành lập nhiều mô hình hoạt động khác nhau, tạo nên sắc thái sôi nổi trong ươm tạo và phát triển các doanh nghiệp. Dù hoạt động của vườn ươm khá sôi nổi trong khoảng 5 năm gần đây nhưng vẫn là “khái niệm” khá mới mẻ tại Việt Nam. Vì vậy, dù đã có các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhưng vẫn chưa bắt kịp nhu cầu phát triển của các cơ sở này, nhất là các vườn ươm công lập.
|
Sôi nổi hoạt động vườn ươm Theo thống kê sơ bộ của Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, hiện cả nước có trên 20 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ và hơn 15 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tập trung ở các trung tâm lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó các vườn ươm hình thành sớm chủ yếu là các cơ sở ươm tạo của nhà nước. Gần đây, nhiều vườn ươm được đưa vào hoạt động ở các địa phương như Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (tại Cần Thơ), Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ Đại học Cần Thơ và nhiều vườn ươm của doanh nghiệp như các không gian làm việc: Up-Co, Dreamplex, Circo, I.Value… Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có nhiều cơ sở ươm tạo nhất cả nước, hiện có hơn 20 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, trong đó có 10 cơ sở nhà nước, còn lại là các cơ sở ươm tạo tư nhân. Với diện tích không gian tổng thể 22.000 m 2 (khối nhà nước 12.000 m2), 100% các cơ sở ươm tạo nhà nước và tư nhân cung cấp không gian làm việc chung, không gian tổ chức các sự kiện, cung cấp các dịch vụ tư vấn, thiết bị văn phòng, thông tin liên lạc, điện nước. Từ thực tiễn được ươm tạo, ông Khương Văn Thuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Công nghệ sinh học TVT cho biết, vào trong vườn ươm, doanh nghiệp được hỗ trợ nhiều như thiết bị, nhà xưởng, dịch vụ… nên trong những tháng đầu không phải tốn chi phí cho những cơ sở vật chất này. Doanh nghiệp cũng có cơ hội cùng đồng hành với Vườn ươm tham dự các hội chợ, hội thảo, triển lãm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Từ những hỗ trợ đó, hiện Công ty đang từng bước đưa sản phẩm ra thị trường. Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ sở ươm tạo khối nhà nước hoạt động theo mô hình 100% phi lợi nhuận. Trong khi đó, khoảng 90% các cơ sở tư nhân hoạt động có lợi nhuận, doanh thu hàng năm khoảng vài tỉ như Công ty cổ phần Việt Nam Sillicon Valley Accelerator (2 tỷ/ năm), Chương trình ươm tạo VYE-Circo (6 tỷ/ năm)… do đặc thù mô hình hoạt động như một doanh nghiệp. Một trong những cơ sở ươm tạo thành công là Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP-IC). Đến nay, Vườn ươm đã thu hút, tiếp cận và hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm công nghệ cao cho 45 dự án ươm tạo, trong đó 23 dự án đã thương mại hóa sản phẩm thành công, 7 dự án có kết quả thương mại hóa xuất sắc được Vườn ươm tổ chức tốt nghiệp. Tổng doanh thu hàng năm của các dự án tham gia ươm tạo từ 15 – 20 tỷ đồng. Trong số các dự án thành công, tiêu biểu là Công ty cổ phần công nghệ Acis. Ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc SHTP-IC cho biết, đây là dự án thiết kế và sản xuất các thiết bị liên quan đến “giải pháp thông minh và điều khiển tự động” để phục vụ con người. Giải pháp sử dụng 100% công nghệ do chính Acis phát triển với cách thức thi công lắp đặt đơn giản, độ mở rộng không giới hạn và tương thích với hầu hết mọi thiết bị trên thị trường. Với tính chất là các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, tất cả doanh nghiệp khi tham gia ươm tạo đều tổ chức hoạt động R&D (nghiên cứu phát triển). Ngoài ra, Dự án nghiên cứu, sản xuất và phát triển các dòng thiết bị cân bằng dùng cho máy quay phim của Công ty TNHH Hệ thống Cơ điện tử xanh (Gremsy) cũng khá thành công tại SHTP-IC. Hiện sản phẩm của Gremsy có mặt ở nhiều triển lãm lớn trên thế giới và hợp tác với các đối tác lớn ở Hoa Kỳ, Pháp, Tây Ban Nha, New Zealand, Canada… Hiện nay, tỷ lệ cơ cấu doanh thu của công ty tại thị trường Hoa Kỳ và châu Âu chiếm đến 80%, còn lại là thị trường các nước khu vực Thái Bình Dương. Trong khi đó, Công ty TNHH Ươm tạo doanh nghiệp phần mềm Quang Trung hình thành năm 2005, đến nay đã ươm tạo hơn 20 doanh nghiệp phần mềm và có rất nhiều các doanh nghiệp thành công như BTM, DMG, Symbio, Solid Line… Ngoài ra, còn hơn 40 doanh nghiệp đang được ươm tạo trong lĩnh vực số hóa hình ảnh, thương mại điện tử, ứng dụng cộng đồng, IoT, ứng dụng điện toán đám mây… Hiện đã có 3 doanh nghiệp gọi vốn thành công, trong đó có doanh nghiệp phần mềm đã có văn phòng tại thung lũng Silicon (Hoa Kỳ).*Nhiều trở lực trong phát triển Theo bà Phan Quý Trúc (Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh), ngoài công nghệ thông tin thì các lĩnh vực khác trong cơ sở ươm tạo nhà nước chủ yếu là nông nghiệp, công nghệ cao, công nghệ sinh học, lương thực thực phẩm… đều đòi hỏi máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu cao, thời gian ươm tạo kéo dài (3 – 5 năm). Trong khi đó, các cơ sở ươm tạo tư nhân (đa số là các đơn vị tăng tốc khởi nghiệp) tập trung vào lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông… với chi phí đầu tư không lớn, thời gian ươm tạo ngắn (4 – 6 tháng), thu hồi vốn và thoái vốn nhanh. Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ươm tạo doanh nghiệp phần mềm Quang Trung cho biết, kết quả đạt được của Vườn ươm khá khả quan khi từ 70% - 80% các doanh nghiệp vào vườn ươm thành công và đạt 90% so với chỉ tiêu trong chiến lược của Công ty. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là diện tích khai thác đã đạt 100%, nếu thu nhận thêm các doanh nghiệp khởi nghiệp hay hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp mới thì chưa có mặt bằng. Một trong những khó khăn của các cơ sở ươm tạo nhà nước là khả năng thu hút vốn. Do những đặc thù về cơ chế, tính chất hoạt động nên các cơ sở ươm tạo chưa đủ sức hấp dẫn các nhà tài trợ và thiếu nhân lực có kinh nghiệm vận động tài trợ. Trong khi đó, cơ sở ươm tạo tư nhân có mạng lưới hợp tác rộng, liên kết với các tổ chức hỗ trợ và đầu tư quốc tế, thậm chí một số cơ sở đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp khởi nghiệp. Đơn cử, Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập năm 2010, do không có pháp nhân riêng (một đơn vị trực thuộc trường), nên gặp nhiều khó khăn, trong khi giao dịch đều phải theo kênh nhà nước với nhiều thủ tục, hành chính bắt buộc. Trước thực trạng đó, Vườn ươm xin được thành lập pháp nhân theo cơ chế 115 (Nghị định 115 của Chính phủ về tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức hoạt động khoa học công nghệ) nên thuận lợi hơn so với ban đầu, mọi thứ chủ động hơn. Tuy vậy, ông Mai Thanh Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cả hai mô hình này đều giống nhau, chỉ khác về mặt hành chính đơn giản hơn, trong khi không có nhiều kinh phí cho hoạt động này. Các vườn ươm bị hạn chế bởi cơ chế quản lý của các đơn vị công lập, năng nề về hành chính, không tận đụng được nguồn lực từ bên ngoài, nên hầu như các vườn ươm sống lay lắt. Trước thực trạng đó, nhiều chuyên gia cho rằng cần thiết lập cơ chế đánh giá kết quả hoạt động của các cơ sở, chương trình ươm tạo; qua đó điều chỉnh, đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động của cơ sở ươm tạo đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Bài 2: Tìm hướng đi mới
TTXVN/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi