Phát huy hiệu quả mô hình liên kết cùng phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc huyện Đăk Đoa

Phát huy hiệu quả mô hình liên kết cùng phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc huyện Đăk Đoa
Qua kiểm tra, rà soát, huyện Đăk Đoa có khoảng 700 hộ chuyển nhượng đất sản xuất với diện tích hơn 400 ha, hơn 770 hộ cho thuê đất sản xuất với diện tích trên 420 ha. Trong tổng số diện tích đất chuyển nhượng và cho thuê có đến gần 1.200 thửa đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được người dân chuyển nhượng, cho thuê nhưng không thông qua chính quyền địa phương. Việc chuyển nhượng, cho thuê đất sản xuất của người dân chủ yếu là giấy viết tay và do Già làng, Trưởng thôn ký xác nhận là chưa đúng với qui định của pháp luật.

Ông Nguyễn Hữu Thọ - Bí thư Huyện ủy Đăk Đoa nhận định, một thực tế đang hiện hữu là đồng bào dân tộc thiểu số sau khi canh tác trên phần đất của mình không hiệu quả, họ thường có xu hướng cho thuê đất dài hạn hoặc thậm chí là bán đất khi có nhu cầu phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt, chi tiêu của gia đình dẫn đến nguy cơ mất đất, thiếu đất sản xuất và tranh chấp đất đai về sau.

Phát huy hiệu quả mô hình liên kết cùng phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc huyện Đăk Đoa ảnh 1
Huyện Đắk Đoa đang triển khai thành công mô hình liên kết giữa hộ đồng bào dân tộc thiểu số có quỹ đất nhưng thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất với những hộ người Kinh có vốn, có kinh nghiệm nhưng không có đất sản xuất cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Ảnh minh họa: thoibao.today

Để ngăn chặn tình trạng này, huyện Đăk Đoa đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số hiểu được tầm quan trọng của việc giữ quỹ đất để xây dựng kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống lâu dài. Cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân nhận thức đầy đủ về Luật đất đai, các mô hình sinh kế bền vững cũng được địa phương khuyến khích, hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân gắn bó và làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Một trong những mô hình tạo được điểm nhấn đó là mô hình liên kết giữa hộ đồng bào dân tộc thiểu số có quỹ đất nhưng thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất với những hộ người Kinh có vốn, có kinh nghiệm nhưng không có đất sản xuất cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Mô hình liên kết này bước đầu đã cho thấy được sự bổ trợ hoàn hảo cho nhau trong phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp hai bên cùng có lợi, đặc biệt giữ được quỹ đất để ổn định sản xuất lâu dài trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo ổn định an ninh kinh tế vùng nông thôn.

Đến thời điểm này, toàn huyện Đăk Đoa đã có 28 cặp hộ liên kết với nhau, canh tác chủ yếu hai loại cây trồng thế mạnh là hồ tiêu và cà phê, cho thu nhập rất hiệu quả. Mô hình liên kết trồng 800 trụ tiêu trên đất trồng cà phê giống cũ kém năng suất trước đây của cặp gia đình ông Bak ở làng Weh (xã Hà Bầu) và ông Nguyễn Văn Hà (xã Nam Yang) giờ đã cho thành quả thu bói được 1 tấn hạt. Với giá hiện tại, mỗi gia đình bước đầu thu được khoảng 30 triệu đồng. Ông Bak vui mừng cho biết: Không có vốn lại thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên vườn cà phê của gia đình mình trước đây năng suất rất kém không có thu nhập. Do đó, mình quyết định liên kết với gia đình ông Hà chuyển sang trồng tiêu. Ông Hà đầu tư giống, trụ, phân bón, kỹ thuật chăm sóc còn mình đóng góp quỹ đất và công lao động cùng chăm sóc. Đến giờ, vườn tiêu của mình đã cho thu bói và kết quả rất khả quan. Nếu phát triển ổn định, năm tới vườn tiêu của mình sẽ cho thu hoạch khoảng 3 tấn, thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng cà phê trước đây.

Ông Nguyễn Hữu Thọ - Bí thư Huyện ủy Đăk Đoa cho biết, mô hình liên kết hộ trong phát triển kinh tế đã phát huy được hiệu quả trong việc hỗ trợ những khiếm khuyết của các gia đình. Trên cơ sở này, huyện Đăk Đoa đã ra nghị quyết và đề ra các giải pháp linh hoạt vận động người dân tham gia mô hình liên kết hộ để hạn chế tình trạng bán đất, sang nhượng đất trái pháp luật. Qua triển khai, huyện nhận thấy mô hình này còn có một tiềm năng rất lớn trong việc khuyến khích nhiều hộ liên kết với nhau tạo nên cánh đồng lớn và hình thành các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới ở khu vực nông thôn giúp người dân dần tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật để canh tác bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo thu nhập ổn định và lâu dài cho người dân./.
Nguyễn Hoài Nam 

Có thể bạn quan tâm