Ngày 16/8, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học "Bảo tàng Báo chí Việt Nam - định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" và lễ kỷ niệm 5 năm thành lập (2017-2022).
Tham dự sự kiện có lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam; nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ; lãnh đạo một số ban, đơn vị, các cấp hội nhà báo; lãnh đạo một số cơ quan báo chí ở Trung ương và Hà Nội, cùng các nhà báo lão thành; đại diện Cục Di sản văn hóa, lãnh đạo một số bảo tàng…
Theo báo cáo của lãnh đạo Bảo tàng Báo chí Việt Nam, ngày 28/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập Bảo tàng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Lễ công bố Quyết định và ra mắt Bảo tàng đã được tổ chức ngày 16/8/2017.
Ngày 19/6/2020, Bảo tàng Báo chí Việt Nam hoàn thành không gian trưng bày cố định và chính thức mở cửa đón khách tham quan, được công chúng và các chuyên gia bảo tàng đánh giá cao về chất lượng trưng bày và hiệu quả giáo dục truyền thống.
Tính đến tháng 7/2022, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã sưu tầm được trên 35.000 tài liệu, hiện vật từ 15 cuộc vận động hiến tặng và những chuyến đi sưu tầm ở hơn 50 tỉnh thành; 20 cuộc trưng bày chuyên đề và tọa đàm khoa học về báo chí đã được tổ chức tại Bảo tàng và lưu động ở các địa phương khác.
Dù trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, có nhiều thời gian giãn cách xã hội ngặt nghèo, trong hai năm mở cửa đón khách, bảo tàng đã thu hút hơn 18.000 lượt khách tham quan, trong đó có hơn 150 lượt khách nước ngoài; hàng nghìn lượt theo dõi trên facebook; hàng trăm nghìn lượt truy cập website.
Bảo tàng cũng đóng vai trò nòng cốt, tiên phong trong việc khảo sát định vị, lập hồ sơ công nhận Di tích lịch sử quốc gia cho Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại Đại Từ, Thái Nguyên.
Đến nay, Bảo tàng cũng đã có 1 ấn phẩm đã xuất bản, 2 đề tài nghiên cứu khoa học được nghiệm thu; sản xuất 250 phim tư liệu và clip về các nhà báo và lịch sử báo chí, trong đó có chùm phim đoạt giải B, giải Búa liềm vàng (phối hợp với Truyền hình Nhân dân) năm 2021 và 1 phim đoạt giải Khuyến khích, giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI, 2021. Bảo tàng đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2011 vì “đã có thành tích trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Báo chí Cách mạng Việt Nam”...
Tại tọa đàm, các đại biểu đã dành thời gian đóng góp, chia sẻ mang tính khoa học, cũng như có giá trị định hướng phát triển cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam thời gian trước mắt cũng như tương lai. Các tham luận không chỉ dừng lại với kinh nghiệm, còn bày tỏ được những mong đợi và gợi ý về công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật, đặc biệt là tài liệu, hiện vật báo chí Việt Nam trước năm 1945 và ở nước ngoài; vấn đề công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động bảo tàng; công tác trưng bày, truyền thông, quảng bá để công chúng đến gần hơn với bảo tàng, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu, phát huy giá trị lịch sử báo chí của một bảo tàng chuyên ngành non trẻ.
Dịp này, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã trao bằng khen tặng các tập thể, cá nhân đã có nhiều đóng góp cho sự ra đời, phát triển của Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Phúc Hằng