Sáng 19/6, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ khai trương Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa và diễn ra đúng vào dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950- 21/4/2020); 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 -21/6/2020); 155 năm báo chí Việt Nam kể từ khi Gia Định Báo - tờ báo tiếng Việt đầu tiên, ra mắt độc giả (15/4/1865 - 15/4/2020).
Các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, dự và cắt băng khánh thành bảo tàng.
Lịch sử báo chí gắn liền với lịch sử lập quốc, kiến quốc của dân tộc
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thay mặt Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi lời thăm hỏi, lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến những nhà báo lão thành, các thế hệ nhà báo trong cả nước.
Phó Chủ tịch nước khẳng định: Ngay từ khi ra đời, báo chí Việt Nam đã mang tính chất tiến bộ, là tiếng nói của nhân dân, của dân tộc, với khát vọng độc lập, thà hy sinh tất cả để hướng đến nền độc lập, dân chủ, văn minh. Cách đây 95 năm, từ ngày báo Thanh Niên ra số đầu tiên (ngày 21/6/1925) - cũng chính là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, cho đến nay báo chí nước ta luôn gắn liền với cuộc vận động cách mạng của Đảng, nhân dân và sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tầm quan trọng của báo chí cách mạng và dành nhiều tâm huyết, thời gian cho hoạt động báo chí. Với nhiều tác phẩm báo chí của mình, Người đã đặt nền móng cho báo chí cách mạng, làm cho báo chí thời nay luôn là dòng chủ lưu, luôn đồng hành cùng dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, kết tinh, hội tụ được truyền thống của Việt Nam và thế giới, làm nên bản chất tiến bộ và nhân văn. Ở tuyến đầu, những người làm báo Việt Nam hôm nay đang tự tin tiếp bước những trang sử hào hùng của dân tộc, đất nước, của các thế hệ làm báo, tiếp tục đảm đương sứ mệnh là chiến sỹ tiên phong trên mặt trận văn hóa, đấu tranh cho công lý và lẽ phải. Trải qua 95, báo chí cách mạng Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc cả về số lượng, chất lượng, nội dung và hình thức; đội ngũ những người làm báo lớn mạnh chưa từng có. Nhân dân, Đảng, Nhà nước ta luôn biết ơn, trân trọng đóng góp to lớn của các nhà báo và nghề báo.
Theo Phó Chủ tịch nước, sự ra đời của Bảo tàng Báo chí Việt Nam là thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với báo chí, đáp ứng lòng mong mỏi của đội ngũ những người làm báo. Các không gian trưng bày của bảo tàng không chỉ tái hiện lịch sử báo chí gắn liền với lịch sử lập quốc, kiến quốc của dân tộc ta, tôn vinh những đóng góp của các thế hệ người làm báo Việt Nam, phát huy, lưu giữ những giá trị di sản báo chí. Bảo tàng còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống lịch sử văn hóa, các giá trị tốt đẹp của dân tộc, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho các sinh viên báo chí và các nhà báo trẻ, giúp công chúng hiểu hơn về những nỗ lực, hy sinh của các thế hệ nhà báo Việt Nam.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước đánh giá cao sự nhiệt tình, trách nhiệm, sự phối hợp hiệu quả của các nhà báo, các gia đình nhà báo, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí đã sưu tầm, quy tụ hàng vạn tư liệu, hiện vật quý báu về lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam để trưng bày tại Bảo tàng.
Phó Chủ tịch nước tin tưởng rằng bảo tàng sẽ là một thực thể sống phong phú và sinh động; một trung tâm giáo dục truyền thống báo chí về tinh thần yêu nước cách mạng. Bảo tàng sẽ đi vào hoạt động hiệu quả, không ngừng nâng cao chất lượng mọi mặt, nỗ lực sáng tạo, chủ động phát triển đời sống báo chí trong và ngoài nước, tạo môi trường lý tưởng hiện đại, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, góp phần truyền bá lịch sử tư tưởng, cách mạng, kiến thức giàu có thêm những giá trị phong phú về nghề báo, mài sắc câu chữ, lý tưởng, nhiệt huyết, vun đắp, phát huy những giá trị tốt đẹp cho sự nghiệp báo chí, góp phần quan trọng vào việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước đã thay mặt Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao tặng Hội Nhà báo Việt Nam bức tranh Phủ Chủ tịch - một trong những tòa nhà đẹp nhất trên thế giới, với mong muốn Hội Nhà báo sẽ ngày càng phát triển, luôn là ngôi nhà chung của những người làm báo Việt Nam và những người làm báo Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh.
Khẳng định vị thế của cơ quan thông tấn quốc gia
Bảo tàng gồm 2 tầng với 5 phần trưng bày. Phần 1 "Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925"; phần 2: "Báo chí Việt Nam giai đoạn 1925-1945"; phần 3: "Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945-1954"; phần 4: "Báo chí Việt Nam giai đoạn 1954-1975"; phần 5: "Báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay".
Các không gian trưng bày được bố trí trên diện tích gần 1.500 m2 và được thể hiện bằng các cách thức trưng bày khác nhau: trưng bày bằng giải pháp đồ họa trên đai vách; bằng hiện vật, tư liệu gốc và phục chế trong tủ, bục, giá, kệ, trục, quay..., thông qua các giải pháp công nghệ phát thanh - truyền hình - số hóa để phục vụ tối đa nhu cầu công chúng đến thưởng lãm.
Một số điểm nhấn trong không gian trưng bày là hình tượng Bút sen ở gian khánh tiết, bục kim cương ở gian 1865-1925, báo Thanh Niên ở gian 1925-1945, báo chí chiến khu giản 1945-1954, làm báo dưới hầm giam 1954-1975, ba chủ đề ở trung tâm gian báo chí đổi mới, khu vực trải nghiệm các loại hình báo điện tử, báo in, báo nói, báo hình, khu vực tưởng niệm các nhà báo đã ngã xuống vì Tổ quốc và nhân dân, Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam...
Đặc biệt, tại Bảo tàng có những gian trưng bày dành cho các cơ quan báo chí lớn trong cả nước, trong đó có Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Là người tham gia từ khi bắt đầu xây dựng Bảo tàng, ông Lê Quốc Trung, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết, ông rất xúc động khi nhìn thấy những hiện vật, tài liệu ở bảo tàng. Bảo tàng đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến các cơ quan báo chí lớn của Đảng, Nhà nước, như: TTXVN, Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân.
Theo ông Lê Quốc Trung, TTXVN và Đài tiếng nói là hai cơ quan báo chí lớn của Đảng, Nhà nước được Bác Hồ yêu cầu thành lập ngay từ khi Cách mạng Tháng 8 thành công, vì vậy trong bảo tàng, vị trí trưng bày của TTXVN rất được trân trọng. Trong phần "Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945-1954" có riêng một gian giới thiệu sự ra đời của TTXVN, kèm theo một số hiện vật liên quan đến thời kỳ đó. Trong phần "Báo chí Việt Nam giai đoạn 1954-1975" có hiện vật quý là tờ Báo ảnh Việt Nam số đầu tiên được xuất bản năm 1954, các hiện vật liên quan đến các hoạt động của TTXVN tại miền Bắc và Thông tấn xã giải phóng ở miền Nam. Trong phần "Báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay" có góc trưng bày các kỷ vật của các nhà báo TTXVN cũng như một phòng trưng bày buồng tối của Báo ảnh Việt Nam - đó là gian trưng bày rất hiếm trong bảo tàng. Đặc biệt, bảo tàng có khu tưởng niệm các nhà báo đã ngã xuống vì Tổ quốc và nhân dân, vì sự nghiệp báo chí Việt Nam, trong đó có tên hơn 260 nhà báo liệt sỹ của TTXVN. Những hiện vật cũng như lịch sử ra đời, hoạt động của TTXVN được trưng bày khá đầy đủ ở bảo tàng là nhờ sự đóng góp rất lớn của TTXVN.
Trong số các hiện vật quý về TTXVN ở bảo tàng có bộ máy thu phát tin mà các phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng sử dụng để phát tin từ các chiến trường về Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; lá cờ Tổ quốc cùng bút tích của thuyền trưởng và chính trị viên tàu KN22 tặng phóng viên TTXVN vào tháng 6/2014; bức ảnh “Bác Hồ và cán bộ, phóng viên Việt Nam Thông tấn xã cùng con em trong cơ quan mừng sinh nhật lần thứ 60 của Người tại An toàn khu Việt Bắc (19/5/1890-19/5/1950)” được ép gỗ, kích thước 98 x80 cm; Bản sao lục Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho nhà báo liệt sỹ Trần Kim Xuyến (1921-1947), đại biểu Quốc hội khóa I, Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam phụ trách VNTTX; một số ấn phẩm của TTXVN những ngày đầu ra mắt như Bản tin Văn hóa - Thể thao quốc tế (báo Thể thao và Văn hóa hiện nay), số 1, năm 1982… cùng nhiều bức ảnh, hiện vật quý khác. Đây là những hiện vật được TTXVN trao tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Ông Lê Quốc Trung nhấn mạnh: Ngay từ đầu những ngày đầu của báo chí cách mạng Việt Nam, khi Bác Hồ quyết định cho ra đời tờ báo Thanh Niên đến nay, các nhà báo đã không quản ngại hy sinh, đánh đổi cả tính mạng mình vào sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc cũng như trong cả thời bình. Riêng TTXVN đã có hơn 260 nhà báo liệt sỹ.
Giữ gìn, tôn vinh những truyền thống tốt đẹp
Xuất phát từ ý tưởng tâm huyết giữ gìn, tôn vinh và phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp của các thế hệ người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã hoàn thiện Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam với ba dự án thành phần: dự án trưng bày bảo tàng; dự án sưu tầm hiện vật và tài liệu; dự án tuyển dụng và đào tạo nhân sự bảo tàng. Ngày 21/8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng bảo tàng. Căn cứ vào đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là "bảo tàng chuyên ngành do Hội Nhà báo Việt Nam quản lý" và "bổ sung vào Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020".
Từ tháng 9/2014 đến tháng 7/2017 là thời kỳ Ban Quản lý các dự án thành phần Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam nỗ lực triển khai các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng các bộ sưu tập hiện vật, tài liệu về báo chí và bước đầu xác lập kho cơ sở, hình thành bộ máy nhân sự để đáp ứng điều kiện thành lập bảo tàng theo quy định của Luật Di sản. Ngày 28/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1118/QĐ-TTg thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Lễ công bố Quyết định và ra mắt bảo tàng đã được tổ chức trọng thể ngày 16/8/2017.
Từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trải qua hơn 1.000 ngày để triển khai ba dự án thành phần trên. Dự án sưu tầm tài liệu, hiện vật đã, đang được tiếp tục triển khai với trên 20.000 hiện vật, tài liệu được tập hợp và bảo quản tại kho cơ sở của bảo tàng. Trong số đó đã có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được nghiên cứu, lập hồ sơ, thẩm duyệt phục vụ trưng bày. Dự án trưng bày triển khai cùng dự án sưu tầm, đến nay đã hoàn tất thi công.
Sau lễ khai trương hệ thống trưng bày thường xuyên, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ chính thức đón khách tham quan.
Phúc Hằng