Phân tích kỹ hiệu quả tổng thể của đường sắt tốc độ cao cho cả nền kinh tế

Phân tích kỹ hiệu quả tổng thể của đường sắt tốc độ cao cho cả nền kinh tế

Sáng 1/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với Bộ Giao thông vận tải và một số bộ, ngành liên quan đến Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Phân tích kỹ hiệu quả tổng thể của đường sắt tốc độ cao cho cả nền kinh tế ảnh 1Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị đánh giá tác động của dự án đường sắt tốc độ cao đối với ổn định vĩ mô, hiệu quả kinh tế-xã hội tổng thể, sử dụng đất đai, phương án tài chính, sử dụng nguồn lực do dự án mang lại… Ảnh: baochinhphu.vn

Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đề xuất 3 kịch bản về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đó là xây mới tuyến đường sắt đôi khổ 1.435 mm, tốc độ 350 km/giờ, khai thác riêng tàu khách và nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu để vận tải hàng hóa; xây mới tuyến đường sắt đôi khổ 1.435 mm, tốc độ 250 km/giờ, kết hợp cả tàu hàng và tàu khách; xây mới tuyến đường sắt đôi khổ 1.435 mm, tốc độ 350 km/giờ khai thác tàu khách và có thể vận tải hàng hóa khi xuất hiện nhu cầu; đồng thời nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu để vận tải hàng hóa.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành đã đóng góp ý kiến cụ thể về từng nội dung chính của dự án: Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật; công nghệ; tổng mức đầu tư; phân kỳ đầu tư; tiến độ dự kiến; hình thức đầu tư, nguồn vốn; phương án vận hành khai thác; mô hình quản lý; một số chính sách, giải pháp tổ chức thực hiện; đào tạo nguồn nhân lực…

Đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, nếu giải phóng việc vận tải tuyến đường sắt hiện hữu Bắc - Nam khỏi chức năng chở khách, tập trung vận tải hàng hóa, hoàn thành kết nối với các cảng biển, nút giao thông đường bộ sẽ đáp ứng được yêu cầu vận tải khối lượng hàng hóa rất lớn. Trong đó có nhiều loại hàng có yêu cầu đặc thù về điều kiện, tốc độ vận chuyển, giảm chi phí logistic đang rất cao ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần giảm áp lực đô thị hóa với việc phát triển đô thị vệ tinh, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công nghiệp, phát triển du lịch, giảm chi phí logistic…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng, cần xuất phát từ tầm nhìn, nhu cầu, dự báo phát triển kinh tế - xã hội, kinh nghiệm các nước, từ đó đặt ra "đầu bài" cụ thể đối với tuyến đường sắt tốc độ cao.

Phó Thủ tướng yêu cầu phân tích, đánh giá kỹ tác động, hiệu quả tổng thể của đường sắt tốc độ cao đối với nền kinh tế trong từng phương án về tốc độ, kết hợp vận tải hành khách và hàng hóa, nâng cấp, tận dụng tuyến đường sắt hiện hữu; tối ưu hóa năng lực khai thác, vận hành của các phương thức, hệ sinh thái vận tải khác nhau (đường bộ, đường hàng không, đường thủy, đường biển)…

"Chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm của thế giới để phân tích ưu điểm, nhược điểm khi kết hợp giữa vận tải hành khách và hàng hóa, giữa tuyến đường sắt tốc độ cao mới và tuyến đường sắt hiện hữu, phương án phát triển khu đô thị vệ tinh, hệ thống logistic, du lịch, khả năng tiếp nhận và làm chủ công nghệ…", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, đơn vị tư vấn huy động, hợp tác với các viện nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu thế giới để đánh giá tác động của dự án đường sắt tốc độ cao đối với ổn định vĩ mô, hiệu quả kinh tế-xã hội tổng thể, hiệu quả sử dụng đất, phương án tài chính, sử dụng nguồn lực do dự án mang lại…

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến cụ thể về phương hướng đặt hàng phát triển nguồn nhân lực; hình thành ngành công nghiệp đường sắt tốc độ cao; tổ chức bộ máy, quản trị hạ tầng khai thác; dựa trên yêu cầu, tiến độ.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm