Nghiên cứu phương án xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam

Nghiên cứu phương án xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam

Đường sắt Việt Nam có lịch sử phát triển 135 năm. Đến nay, mạng đường sắt quốc gia có tổng chiều dài 3.134km, trong đó 2.531km chính tuyến, 612km đường nhánh và đường ga. Đường sắt Việt Nam đã đóng góp hết sức quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội nói chung và tích cực tham gia vào vận tải toàn ngành giao thông nói riêng.

Tuy nhiên, do đã xây dựng từ lâu, lại không được nâng cấp, mở rộng theo đúng yêu cầu phát triển, nên đường sắt Việt Nam hiện vẫn hoàn toàn là đường đơn, khổ đường hẹp 1.000mm và ngày càng xuống cấp.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu vận tải hành khác và hàng hóa ngày càng cao, giải quyết tình trạng quá tải của đường bộ và hàng không, bên cạnh việc tiếp tục cải tại, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có, thì việc nghiên cứu xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam phục vụ vận tải hành khách với chất lượng cao nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Xuất phát từ đặc thù của Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu bổ sung quy định về cấp kỹ thuật đường sắt tốc độ cao vào Tiêu chuẩn ngành và Tiêu chuẩn quốc gia về cấp kỹ thuật đường sắt; Đồng thời yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo chủ động nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách huy động vốn; các đề án về phát triển các lĩnh vực liên quan, bao gồm cả đào tạo nguồn nhân lực… phục vụ phát triển đường sắt tốc độ cao theo Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm