Sáng 23/2, HĐND Hải Dương khóa XVI, nhiệm kỳ 2016-2021 đã tổ chức kỳ họp thứ 17, kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ. Các đại biểu đã bầu ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVI, nhiệm kỳ 2016-2021. Trước đó, HĐND tỉnh Hải Dương đã biểu quyết miễn nhiệm ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch HĐND tỉnh thôi chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 để nghỉ hưu theo chế độ.
Ông Phạm Xuân Thăng, sinh năm 1966, quê quán ở xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Trình độ chuyên môn: Cử nhân Hóa học, Trường Đại học sư phạm Hà Nội I; Thạc sỹ Quản lý khoa học và công nghệ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Trình độ lý luận chính trị: Cử nhân. Ông Phạm Xuân Thăng là đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV. Ông đã từng giữ các chức vụ: Bí thư Tỉnh Đoàn Hải Dương, Bí thư Huyện ủy Bình Giang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Hải Dương đã thông qua báo cáo tổng kết hoạt động HĐND, UBND các cấp tỉnh Hải Dương khóa XVI, nhiệm kỳ 2016-2021; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương; báo cáo công tác nhiệm kỳ của Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.
Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND tỉnh thể hiện rõ vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân. Quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành; giữa Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh luôn duy trì và gắn kết thường xuyên, tạo nên sự chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất có trọng tâm, trọng điểm và bao quát toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở địa phương. HĐND các cấp trong tỉnh đã ban hành 14.531 nghị quyết và các nghị quyết này luôn bám sát tình hình thực tế tại địa phương và nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Cùng với hoạt động tại các kỳ họp như các phiên chất vấn, giải trình giữa hai kỳ họp, HĐND các cấp trong tỉnh còn tổ chức 6.921 cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp nhận 26.869 ý kiến, kiến nghị; tổ chức 12.925 cuộc giám sát chuyên đề và khảo sát, giám sát thường xuyên các chương trình giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề đã được thực hiện đúng quy định của pháp luật, luôn có sự đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực công tác quản lý, điều hành của chính quyền địa phương, đáp ứng kỳ vọng của cử tri.
Việc quản lý, điều hành của UBND tỉnh được nâng lên gắn liền với cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, phòng chống thiên tại, dịch bệnh, đặc biệt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được có những kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng bình quân 8,1%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (7,7%) và cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Quy mô kinh tế gấp 1,6 lần so với năm 2015 (đứng thứ 11 trong toàn quốc). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, phát triển nhanh, bền vững, với tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ đến năm 2020 chiếm 90,3% GRDP. Tổng thu nhập bình quân đầu người đạt 69,8 triệu đồng, tương đương khoảng 3.020 USD.
Từ năm 2017, Hải Dương là một trong 16 tỉnh, thành phố được giao tự cân đối về ngân sách và có điều tiết một phần về ngân sách Trung ương với tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 83.375 tỷ đồng; thu nội địa đạt 63.826 tỷ đồng, bình quân tăng 11,7%/năm. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nội tỉnh, liên tỉnh được quan tâm, phát triển đô thị có bước đột phá, xây dựng nông thôn mới vượt chỉ tiêu đề ra, diện mạo khu vực đô thị, nông thôn ngày càng khang trang hiện đại. Việc thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, khu dân cư, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế thực hiện bài bản, quyết liệt và đạt mục tiêu đặt ra được Trung ương đánh giá cao.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Phạm Xuân Thăng đề nghị các cấp, ngành cần khẩn trương phối hợp triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Các cấp, các ngành tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, luôn phải đề cao cảnh giác, chủ động ứng phó trong mọi tình huống dịch COVID-19.
Thời gian tới, tỉnh cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo bước đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh để thu hút đầu tư có chọn lọc, tạo sự liên kết theo chuỗi giá trị; tập trung phát triển du lịch thông minh, xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu. Hải Dương thực hiện tốt công tác thu, chi ngân sách; huy động tối đa các nguồn vốn cho đầu tư phát triển; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai và các loại tài nguyên khoáng sản; tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Để đạt được những mục tiêu trên, mỗi cán bộ, đảng viên, đại biểu HĐND phải gương mẫu, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao với phương châm “5 rõ” gồm: rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả. Đồng thời, phát huy vai trò người đứng đầu; xây dựng đội ngũ cán bộ với tiêu chí “6 dám” gồm: dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đổi mới sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Hải Dương đã thông qua Nghị quyết thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh trên cơ sở sáp nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng HĐND tỉnh.
Mạnh Tú