Ông Lê với vườn thanh long đang mùa thu hoạch. |
Dù đã được nghe cán bộ ở Hội Nông dân huyện giới thiệu trước, nhưng khi đến thăm gia đình ông Lê, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước mô hình kinh tế VAC của gia đình. Xung quanh nhà toàn bộ là vườn cây thanh long đang vào mùa cho quả, cạnh nữa là khu chuồng trại với hơn 10 con lợn, 3 con hươu và đàn gà, vịt gần 100 con. Ông Lê cho biết, trước đây gia đình ông có đất canh tác nhiều mà làm mãi chỉ đủ ăn chứ không có phần dư giả. Ông nghĩ, sao nhiều gia đình đất đai ít mà lại làm giàu được, vậy mà mình lại không, trong khi mọi điều kiện canh tác đều có. Trăn trở, loay hoay tìm câu trả lời cho băn khoăn đó, ông quyết định xây dựng mô hình VAC. Nghĩ là làm, ông bàn bạc cùng gia đình và vay ngân hàng 30 triệu đồng để đầu tư làm mô hình. Với diện tích đất canh tác hơn 6.000 mét vuông, ông chuyển một phần sang trồng cây thanh long, làm chuồng trại để chăn nuôi lợn, nuôi hươu và làm ao nuôi cá hơn 1.000 mét vuông.
Vừa làm vừa tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi, tự tìm hiểu qua sách báo và trên các phương tiện thông tin đại chúng, với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng, đến nay ông có hơn 300 trụ thanh long, gần 20 cây hồng, lê; lợn gà mỗi năm xuất 2 - 3 lứa, cá thả quanh năm, ngoài ra ông còn nuôi 3 con hươu để lấy nhung. Tính tổng thu nhập các khoản mỗi năm gia đình ông được khoảng 150 triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong sản xuất, ông Lê cho biết: Trong phát triển kinh tế gia đình, quan trọng nhất vẫn là mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Phải gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Chú trọng thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất thực phẩm sạch gắn với bảo vệ môi trường. Có như vậy mới đảm bảo sản xuất lâu dài, bền vững.
Chưa hài lòng với những gì mình đã có, ông Lê dự tính sẽ phát triển thêm nhiều loại cây, con khác có thể mang lại kinh tế cao. Năm 2014, ông thực hiện thử trồng dâu nuôi tằm và năm đầu đã cho thu nhập khả quan. Qua tìm hiểu thị trường ông thấy, nuôi dâu tằm có thể bán cho các tỉnh miền xuôi hoặc bán sang Trung Quốc đều được, đầu ra ổn định hơn so với nhiều loại cây, con khác. Vì vậy, năm nay, ông sẽ mở rộng diện tích trồng dâu để nuôi tằm.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Lê tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với bà con lối xóm trong phát triển kinh tế và được bà con quý trọng, nể phục. Đặc biệt, là nông dân sống ở địa phương được tỉnh chọn làm xã điểm trong xây dựng nông thôn mới, gia đình ông đã tích cực hưởng ứng phong trào. Gia đình ông đã hiến hơn 100 mét vuông đất để làm đường và hiến đất cho xóm làm nhà văn hóa.
Quyết tâm, năng động, linh hoạt trong cách làm, ông Lê đã tạo cho gia đình một hướng đi trong phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần cùng địa phương thực hiện thành công phong trào xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay. Ông Ma Văn Lê từ năm 2011 - 2014 đều đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh giỏi cấp cơ sở và cấp huyện.
Báo Cao Bằng