Bài 1: Chăm chút “trồng người” để thoát đói nghèo
Vào một đêm đầu mùa đổ nước vào ruộng bậc thang ở tỉnh Yên Bái, phóng viên TTXVN nghỉ lại ở thị trấn Mù Cang Chải cùng đoàn từ thiện do cựu nhà báo Phạm Thủy, người thành lập và cũng là Giám đốc quỹ Global languages center - GLC (Trung tâm tiếng Anh toàn cầu), dẫn đầu. Cơn mưa rừng rất ngắn, đột ngột đến, đột ngột ngừng, nhưng việc chúng tôi ngày mai có đến được xã Chế Tạo hay không hoàn toàn phụ thuộc vào nó – nếu con đường độc đạo bị sạt lở thì có nghĩa là chuyến đi phải gác lại.
Xuất xứ nghèo của một địa danh
Yên Bái là một tỉnh ở vùng Tây Bắc, nằm trong danh sách “10 tỉnh nghèo nhất nước”. Tỉnh thuộc diện nghèo nhất nước có huyện Mù Cang Chải “nghèo nhất tỉnh”, rồi huyện nghèo nhất tỉnh có xã Chế Tạo nghèo nhất huyện…
Tỉnh Yên Bái có 30 dân tộc cùng chung sống (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 54%) trên một địa hình phần lớn là núi cao hiểm trở. Yên Bái mới tự cân đối được 14 -15% ngân sách, thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng một nửa mức trung bình của cả nước - GRDP bình quân đầu người/năm khoảng trên 36,74 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao, gấp 3 lần bình quân cả nước.
Mù Cang Chải với 91% dân số là người Mông thuộc diện huyện đặc biệt khó khăn được hưởng chế độ đặc thù theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Chế Tạo là xã xa nhất của Mù Cang Chải (cách trung tâm huyện 35 km) cũng là xa nhất của Yên Bái (cách tỉnh lỵ 250 km) với vô số con đèo dài và rất dốc, được coi là “nơi cùng trời cuối đất”.
Cái tên Chế Tạo nghe có vẻ hiện đại, mang hơi hướng… cơ khí nhưng thực ra nó bắt nguồn từ hai từ trong tiếng Mông “chế” (nhà) và “tẩu” (đậu). Hồi xưa ở trung tâm xã Chế Tạo bây giờ có một cái lán để trông coi nương đậu. Cái “công trình” nhỏ bé đó ở nơi rừng núi âm u, hoang vắng gây ấn tượng đến nỗi Chế Tẩu trở thành địa danh và lâu ngày bị gọi chệch đi thành… Chế Tạo.
Xã Chế Tạo có diện tích 235,4 km2 với dân số là 2.500 người (452 hộ), gần như 100% là đồng bào Mông Xi (Mông Hoa). Đá nhiều, đất ít, ở độ trao trên 1.000 m so với mực nước biển, địa hình dốc, thiếu nước, biệt lập, đi lại khó khăn… nên Chế Tạo gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế.
Trước đây, người dân trồng đậu, ngô với năng suất rất thấp. Hiện nay bà con người Mông ở Chế Tạo đã biết cấy lúa nước một vụ tại 158 ha ruộng bậc thang. Một phần thu nhập đáng kể của người dân là từ việc trồng thảo quả và cùng với Khu bảo tồn thiên nhiên Chế Tạo tham gia bảo vệ, chăm sóc gần 17.000 ha rừng. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã từ trên 80% giảm xuống còn 41%.
Việc đi lại từ trung tâm huyện đến trung tâm xã Chế Tạo đã có sự đổi thay đặc biệt mới đây, khi Nhà nước đầu tư con đường ô tô dài 35 km. Chế Tạo là xã cuối cùng của tỉnh Yên Bái có đường ô tô nối trung tâm huyện đến trung tâm xã.
Tuy nhiên, về mùa mưa việc vượt qua con đèo Khau Phạ có chiều dài 27 km với màn sương mù mịt và hay bị sạt lở, là điều không dễ dàng.
Chăm chút cho sự nghiệp “trồng người”
Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, song tỉnh Yên Bái nói chung và huyện Mù Cang Chải rất quan tâm đến sự nghiệp “trồng người” và sự đầu tư của Nhà nước cho việc dạy và học cũng không hề nhỏ.
Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở Yên Bái, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho con em của họ.
Yên Bái có 451 cơ sở giáo dục, trong đó 435 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông với hơn 6.600 lớp học, hơn 206.000 học sinh. Học sinh dân tộc thiểu số chiếm gần 60%, trong đó gần một nửa là học sinh nữ. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 40,9%.
Tỉnh Yên Bái có nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đặc thù trong các trường chuyên biệt tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú. Cơ sở vật chất của ngành học mầm non và phổ thông vùng dân tộc thiểu số được quan tâm.
Trên địa bàn tỉnh có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú với 88 lớp, gần 3.000 học sinh, trong đó 2.615 học sinh ở cấp trung học cơ sở; 826 học sinh ở cấp trung học phổ thông.
Riêng với huyện Mù Cang Chải, sự nghiệp giáo dục thực sự là một hành trình “cõng chữ lên non” suốt hơn sáu thập niên qua.
Huyện Mù Cang Chải được gây dựng nên vào năm 1957, tách ra từ châu Nghĩa Lộ và châu Than Uyên thuộc Khu tự trị Tây Bắc. Lúc đó tỷ lệ mù chữ là gần như 100%. Toàn huyện chỉ có 3 cán bộ được phân công dạy bổ túc văn hóa mà chưa qua trường lớp sư phạm. Tháng 8/1959 huyện đón 14 thầy giáo từ miền xuôi lên theo quyết định của Thủ tướng Chính nhằm thanh toán nạn mù chữ cho cán bộ, đồng bào miền núi.
Đến tháng 11/1959 Mù Cang Chải mở 13 lớp vỡ lòng với 300 học sinh, 14 lớp bổ túc văn hóa với 350 học viên.
Trải qua 24 năm phấn đấu kể cả trong chiến tranh lẫn thời bình, ngành giáo dục của Mù Cang Chải đã đạt tới đỉnh cao vào năm 1983, khi Trường Phổ thông liên cấp 2 - 3 đầu tiên ra đời với tổng số 19 giáo viên, 7 lớp học và 165 học sinh.
Vào những năm đầu thập kỷ 80, tình trạng mất mùa, đói kém đã tác động mạnh mẽ tới ngành giáo dục huyện Mù Cang Chải, ảnh hưởng đến tư tưởng cán bộ, giáo viên - mỗi năm có khoảng 35 - 45% giáo viên làm đơn xin chuyển vùng công tác, hàng loạt giáo viên bỏ việc.
Năm học 1980 – 1981 trên địa bàn huyện giảm 15% số lớp, số học sinh bỏ học trung bình ở mức 28,5% và có những điểm trường “trắng”, không có học sinh.
Mãi đến năm học 1990 – 1991 tình trạng giáo viên bỏ việc, xin chuyển công tác mới được khắc phục; cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp, số lượng, chất lượng lớp học dần được củng cố. Ngành giáo dục của Mù Cang Chải có 18 trường với 98 lớp học và 1.506 học sinh, đội ngũ giáo viên tăng 64% so với năm 1966, hội giảng cấp huyện lần đầu tiên được tổ chức với 4 giáo viên đạt loại giỏi cấp huyện.
Giai đoạn từ năm 2010 đến nay, sự nghiệp giáo dục của huyện phát triển mạnh mẽ, mạng lưới trường lớp được mở rộng với 38 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông và 1 trung tâm giáo dục dạy nghề - giáo dục từ xa. Hệ thống các trường mầm non phát triển đến các xã, thôn bản, tỷ lệ thu hút học sinh đến lớp tăng cao. Hiện tại huyện có 1.330 cán bộ, giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn (chiếm 100%); tất cả các bản làng của 14 xã, thị trấn huyện Mù Cang Chải đều có cơ sở giáo dục.
Cùng với sự đầu tư to lớn, các chính sách phát triển kinh tế và an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, sự cố gắng vươn lên của người dân thì sự nghiệp “trồng người” của ngành giáo dục cũng đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở Mù Cang Chải.
Mù Cang Chải có 13 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn với tuyệt đại đa số là người dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó đồng bào Mông chiếm 91%; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tập quán canh tác lạc hậu.
Trước đây, người Mông luôn bằng lòng với những gì mình có, thiếu ý chí vươn lên. Nhờ chính quyền tuyên truyền, hỗ trợ, nhờ sự giáo dục, nâng cao dân trí mà hiện nay người dân đã dần chuyển theo hướng sản xuất hàng hóa. Bà con biết trồng cây có năng suất cao, chăn nuôi với quy mô lớn để đưa ra thị trường, một số gia đình phát triển du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả kinh tế khá.
Mù Cang Chải chủ trương giúp người dân giảm nghèo theo hướng bền vững là hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2020, số lao động đã qua đào tạo đạt 35,5%, số lao động qua đào tạo nghề đạt 21,3%, số lao động được học nghề là 2.600 người (trong đó số lao động nghèo, cận nghèo dự kiến sẽ tham gia chương trình là trên 70%).(Còn tiếp)
Trần Quang Vinh