Nữ Bí thư Nguyễn Thị Ước đi đầu phát triển kinh tế ở vùng núi Đăk Pne

Nữ Bí thư Nguyễn Thị Ước đi đầu phát triển kinh tế ở vùng núi Đăk Pne
Chị Nguyễn Thị Ước phơi sâm đá. Ảnh: TTXVN
Chị Nguyễn Thị Ước phơi sâm đá. Ảnh: TTXVN

Sâm đá là loại dược liệu quý mới được chính quyền tỉnh Kon Tum nhân rộng trên hơn 1 ha tại xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy. Năm 2014, khi bà con mới phát hiện loại dược liệu này trên núi, chị Ước đã đứng ra tập trung thu mua những mầm sâm đá đầu tiên rồi báo với chính quyền về loại dược liệu quý này. Những lần chị Ước thu mua sâm đá tự nhiên, thương lái vào tận nhà đặt hàng với giá 200.000 đồng/kg. Tháng 12/2016, thấy giá trị kinh tế sâm đá mang lại khá cao, chị Ước đã trồng thử nghiệm trên 3 sào đất để phát triển kinh tế gia đình. Sau 8 tháng, trừ các khoản chi phí, 3 sào sâm đá của chị Ước cho thu nhập hơn 20 triệu đồng.

Những ngày đầu gieo trồng loại dược liệu quý này, chị còn e dè vì sâm đá sống trong môi trường tự nhiên, khi đem về thuần chủng trồng đại trà liệu có cho kết quả tốt không. Sau đó chị mạnh dạn trồng thử nghiệm cả 3 sào sâm đá. Chị Nguyễn Thị Ước cho biết: “Tôi mạnh dạn đi đầu thử nghiệm trồng sâm đá với mong muốn phát triển và nhân rộng loài dược liệu quý tại địa phương. Sâm đá cũng dễ trồng vì điều kiện khí hậu tại Đăk Pne rất thích hợp với loài cây này. Sau khi thử nghiệm thành công, hiện diện tích trồng sâm đá của gia đình tôi là 1ha. Thời gian tới, tôi tiếp tục hướng dẫn cách trồng sâm đá, giúp bà con tăng thu nhập. Hiện đã có 3 hộ gia đình đảng viên trong thôn triển khai mô hình trồng sâm đá.”

Ngoài diện tích sâm đá cho giá trị kinh tế cao, gia đình chị có 1 ha trồng cà phê, 3 ha bời lời, 5 con bò sinh sản, 6 sào lúa rẫy… Mỗi năm trừ các khoản chi phí, gia đình chị thu về gần 300 triệu đồng. Trong 1 tháng thu hoạch cà phê, gia đình chị Ước tạo việc làm cho khoảng 20 nhân công là đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương với giá thu hái 1 tạ cà phê tươi là 70.000 đồng. Ngoài ra, các thời điểm làm cỏ trong năm cho cây trồng, chị thuê khoảng 5 nhân công địa phương với mức giá 150.000 đồng/ngày công.

Trước đây, chị Ước là cán bộ chuyên trách dân số (2002-2011), cán bộ văn hóa xã hội (2011-2015) của xã Đăk Pne. Từ đầu năm 2015 đến nay, chị đảm nhận chức vụ Bí thư Chi bộ thôn 3. Với kiến thức sẵn có, chị Ước tranh thủ lồng ghép tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân trong các cuộc họp thôn, cuộc họp của Chi hội Phụ nữ, Hội Nông dân…

Trong 54 hộ dân thôn 3, có 7 đảng viên thuộc Chi bộ chị Ước quản lý. Để giúp các gia đình đảng viên nâng cao chất lượng cuộc sống, chị Ước thành lập mô hình “Không sinh con thứ 3”, thực hiện mô hình “Năm không ba sạch”… Ngoài ra, chị còn hướng dẫn bà con cách phát triển kinh tế, nuôi trồng cây con phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương.

Năm 2016, chị Ước thành lập mô hình chăn nuôi đàn gà thịt với số vốn tự nguyện đóng góp của các đảng viên trong thôn. Số tiền vận động được trích ra mua gà giống cho 3 hộ gia đình đảng viên. Đến tháng 7/2017, đàn gà của mỗi hộ đảng viên đã phát triển được hơn 50 con. Ngoài ra, chị Ước còn hướng dẫn bà con cách xen canh ngô trong diện tích bời lời; cách chăm sóc, thu hoạch cà phê, bời lời hiệu quả hơn… Với những thành tích nêu trên, chị Ước nhiều lần được chính quyền xã, huyện tuyên dương, khen thưởng./.
Hồng Điệp

Có thể bạn quan tâm