Giá mía cây ở Cù Lao Dung, Sóc Trăng, hiện giảm ở mức kỷ lục khi chỉ còn 250-300 đồng/kg. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN |
Ông Trần Vũ Lan, người trồng mía ở xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng chia sẻ, năm nay gia đình ông trồng hơn 12 công mía (khoảng 1,5ha), nhưng lại lỗ nặng hơn vụ mía năm trước vì giá mía quá rẻ, nhân công thì cao, hiện tại thương lái đến ruộng thu mua chỉ từ 200-300 đồng mỗi ky lô gam mía cây khiến người trồng mía lỗ mỗi công mía tới 2 triệu đồng. Những hộ có mía ở sâu trong ruộng, xa đường giao thông có khi bỏ không thu hoạch vì tiền bán không đủ chi phí nhân công. Với thương lái mua mía cho dân vận chuyển đến nhà máy cũng không khá hơn. Ông Huỳnh Minh Dũng, thương lái mua mía tại xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng chia sẻ: “Vụ trước đó, giá mía cũng thấp, hiện nay giá mía chỉ từ 200-250 đồng/kg, trong khi đó nhà máy sau khi thu mua còn trả chậm, có khi cả tháng chưa trả cho người trồng mía”. Giá mía nguyên liệu giảm thấp nên nhiều hộ trồng mía có vị trí thuận lợi gần mặt đường lớn ở Cù Lao Dung đều bán cho các thương lái mua dưới hình thức mía nước, việc này giúp tăng được một phần thu nhập cho người nông dân so với việc bán mía nguyên liệu cho các nhà máy đường. Nông dân Lê Văn Dạn ở xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung sau nhiều năm trồng mía nguyên liệu thất thu nên năm nay gia đình ông đã chuyển phần lớn diện tích từ mía nguyên liệu sang trồng mía nước (ép lấy nước mía bán uống giải khát) nên thu nhập khá hơn. Theo ông Dạn, năm nay trồng mía nước ông thu lãi từ 7-8 triệu đồng mỗi công, còn với cây mía nguyên liệu thì ngược lại, lỗ mỗi công từ 2 triệu đồng trở lên. Tình trạng giá mía giảm sâu liên tục nhiều năm liền đã và đang làm cho người nông dân ở Cù Lao Dung không còn mặn mà với cây mía nhưng họ cũng chưa biết phải chuyển đổi gì cho hiệu quả. Phần vì với tâm lý của người nông dân là “sợ” sự thay đổi, phần vì không có vốn để chuyển đổi cây trồng khác. Trước tình trạng này, ngành nông nghiệp địa phương cũng đã có những định hướng. Ông Nguyễn Văn Đắc, Phó trưởng Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng cho biết: Với tình hình giá mía như hiện nay về lâu dài sẽ rất khó khăn cho người trồng mía, do đó, chủ trương của huyện là chuyển đổi diện tích cây mía sang trồng các loại cây trồng khác. Trong năm 2018 huyện đã chuyển đổi được hơn 950 ha mía sang cây trồng khác, năm 2019 dự kiến sẽ chuyển tiếp 1.100 ha. Đối với những khu gần đường giao thông địa phương khuyến khích người dân giữ lại diện tích mía lấy nước và tiếp tục mở rộng hoặc chọn những giống vừa bán mía nước vừa bán mía nguyên liệu được. Đối với những khu vực xa đường giao thông, ngành chức năng khuyến khích người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, rau màu, nuôi trồng thủy sản; trong đó, nhiều diện tích đã chuyển đổi trong 1-2 năm nay, bước đầu đã cho hiệu quả.
Trung Hiếu