Nơi ươm mầm tài năng Quan họ nhí

Nơi ươm mầm tài năng Quan họ nhí

Nhằm mang đến cho thiếu nhi một sân chơi bổ ích và góp phần bảo tồn, gìn giữ dân ca Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, gần 10 năm nay, các thành viên câu lạc bộ Quan họ măng non xã Hoàn Sơn (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) đã lan tỏa tình yêu loại hình nghệ thuật truyền thống này đến cộng đồng.

Nơi ươm mầm tài năng Quan họ nhí ảnh 1Các em thiếu nhi câu lạc bộ Quan họ măng non xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh trong một buổi sinh hoạt. Ảnh: Thanh Thương- TTXVN

Câu lạc bộ Quan họ măng non xã Hoàn Sơn thành lập năm 2015, được tách ra từ câu lạc bộ Quan họ trung, cao tuổi (thôn Đại Sơn, xã Hoàn Sơn) do chị hai Nguyễn Thị Nguyên làm chủ nhiệm. Theo chị Nguyễn Thị Nguyên, dù câu lạc bộ không phải ở làng Quan họ gốc hay làng Quan họ thực hành nhưng với tình yêu dân ca cùng với sự chỉ bảo tận tình của các nghệ sĩ, đến nay, các thành viên đều đã đủ "chín" và có thể đi biểu diễn.

Chị Nguyên cho biết, từ nhỏ, chị đã yêu Quan họ thông qua lời ca, tiếng hát của bà, của chị và lớn lên đã tham gia câu lạc bộ Quan họ của thôn. Chị luôn tích cực và có mặt ở hầu hết các buổi sinh hoạt. Trong quá trình hoạt động, nhận thấy nhiều em thiếu nhi trong thôn, xã đam mê Quan họ nhưng không có nơi để sinh hoạt, chị mạnh dạn thành lập câu lạc bộ Quan họ măng non xã Hoàn Sơn để truyền dạy miễn phí cho các bạn trẻ. Ban đầu, câu lạc bộ có 10 thành viên. Sau gần 10 năm, câu lạc bộ thu hút hơn 30 thành viên từ 4 - 17 tuổi.

Nơi ươm mầm tài năng Quan họ nhí ảnh 2Chị Nguyễn Thị Nguyên, chủ nhiệm câu lạc bộ Quan họ măng non xã Hoàn Sơn hướng dẫn “liền chị nhí” cách buộc khăn mỏ quạ. Ảnh: Thanh Thương- TTXVN

Theo chị Nguyên, thời gian đầu thành lập, câu lạc bộ gặp nhiều khó khăn do không có kinh phí hoạt động. Mặt khác, các em thiếu nhi còn nhỏ nên chị gặp khó khăn trong phương pháp truyền đạt. Tuy nhiên, với tình yêu thương trẻ và đam mê Quan họ, chị luôn ân cần vỗ về, kết hợp dạy hát với các trò chơi khiến mỗi buổi sinh hoạt là một ngày vui. Ngoài ra, chị còn mời các giáo viên có kinh nghiệm đến hướng dẫn cho các em. Cùng với học hát, các em cũng được nghe phân tích ý nghĩa thơ ca dân gian trong từng câu ca để hiểu được giá trị của Quan họ trong cuộc sống.

Do đặc thù các thành viên trong câu lạc bộ còn đi học nên mỗi tuần, câu lạc bộ thường sinh hoạt 2 buổi vào chiều thứ 4 và Chủ nhật hoặc thứ 7, Chủ nhật. Tại buổi sinh hoạt, các liền chị nhí vận trên mình bộ áo mớ ba, mớ bảy, các liền anh mặc áo the khăn xếp, chăm chú lắng nghe “cô giáo” truyền dạy các bài hát. Ở mỗi làn điệu, cô đều nhấn nhá, lưu ý những đoạn khó, để bật được độ vang, rền, nền, nảy. Cô hát trước, trò theo sau. Ngoài học hát, các em còn được thực hành cách têm trầu cánh phượng và tìm hiểu, thực hành cách mặc trang phục quan họ, cách biểu diễn trên sân khấu…

Nơi ươm mầm tài năng Quan họ nhí ảnh 3Mời trầu là hoạt động không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa Quan họ. Ảnh: Thanh Thương- TTXVN

Em Nguyễn Bích Ngọc, thành viên câu lạc bộ Quan họ măng non xã Hoàn Sơn cho biết, em đã biểu diễn thành thục hàng chục làn điệu quan họ. Tham gia câu lạc bộ không chỉ giúp em có thêm kiến thức về văn hóa quan họ, nghệ thuật biểu diễn, mà còn cho em những cơ hội được giao lưu, kết bạn, trau dồi kỹ năng sống. Các buổi sinh hoạt quan họ giúp em tự tin, cân bằng tâm trạng mỗi khi căng thẳng để học tập tốt hơn.

Luôn mong đến cuối tuần để được tham gia sinh hoạt, em Nguyễn Hiền Hoa (thôn Đại Sơn) cho biết, em được cô Chủ nhiệm câu lạc bộ và các nghệ sĩ Quan họ Bắc Ninh uốn nắn từng lời ca, tiếng hát các làn điệu. Cùng với học hát trong câu lạc bộ, khi về nhà, em còn tập luyện thêm theo chương trình dạy hát quan họ trên truyền hình. Những khi rảnh rỗi, em thường mặc trang phục quan họ đứng biểu diễn trước gương. Nhờ vậy, mỗi ngày em tự tin hơn với khả năng hát quan họ và cả trong học tập. Cũng chính niềm đam mê này đã giúp em lan tỏa tình yêu quan họ đến em gái mình. Đến nay, cả hai chị em đều tham gia câu lạc bộ và được đi biểu diễn tại nhiều chương trình.

Chị Nguyễn Thị Thoa, mẹ em Nguyễn Hiền Hoa chia sẻ, chị rất tự hào khi các con yêu thích dân ca Quan họ Bắc Ninh. Từ khi tham gia câu lạc bộ, các con chị đều tự thu xếp thời gian để hoàn thành các bài tập trên lớp. Chị thấy các con tiến bộ từng ngày; tự tin giao lưu kết bạn, mạnh dạn trong các buổi biểu diễn. Chị mong muốn, lớp học ngày càng phát triển để dân ca Quan họ Bắc Ninh được trường tồn.

Nơi ươm mầm tài năng Quan họ nhí ảnh 4

Trầu têm cánh phượng và nón quai thao là vật dụng không thể thiếu trong mỗi buổi sinh hoạt Quan họ. Ảnh: Thanh Thương- TTXVN

Cùng với sự phát triển của xã hội và sự xuất hiện nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, lớp trẻ thường không để ý đến các loại hình dân ca. Việc câu lạc bộ Quan họ măng non được thành lập và ngày càng phát triển là một trong những mô hình góp phần không nhỏ vào việc nuôi dưỡng tình yêu với dân ca trong thế hệ trẻ, đồng thời khẳng định hướng đi đúng trong công tác bảo tồn và lan tỏa Quan họ Bắc Ninh trong cộng đồng.

Thanh Thương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm