Năm nay, các sản phẩm/mô hình dự thi đều nâng cao cả về chất và lượng.
Cuộc thi lần này đã thu hút được đông đảo đối tượng thanh, thiếu niên, nhi đồng tham gia. Qua tổ chức vòng thi cấp huyện, thị, thành phố, số lượng sản phẩm tham gia tăng gấp 2,5 lần so với năm 2014 (tương đương 206 sản phẩm). Các sản phẩm tham gia dự thi ở các lĩnh vực: đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; bảo vệ môi trường - phát triển kinh tế và sản phẩm thân thiện môi trường; các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em. Số trường học tham gia cũng nhiều hơn năm trước là 163/260 trường, tăng gần 35%. Sản phẩm tham gia phong phú và đủ 5 lĩnh vực của Ban tổ chức cuộc thi đưa ra. Tính đến nay, hầu hết các huyện, thị, thành đã tổ chức tổng kết vòng thi cấp huyện và gửi 85 sản phẩm tham gia dự thi cấp tỉnh.
Theo ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh, nét mới của cuộc thi lần này so với các kỳ tổ chức trước đó là đã có sự hưởng ứng, vào cuộc tích cực từ các địa phương, trường học, tổ chức đoàn. Đặc biệt, gia đình và các em học sinh dành nhiều quan tâm, đầu tư hơn cho sản phẩm dự thi. Em Nguyên Lê Gia Thịnh, học sinh lớp 7A1, Trường THCS Lê Quí Đôn, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Để hoàn thành sản phẩm dự thi, em đã có tham khảo ý kiến cha mẹ. Những kinh nghiệm trong quá trình làm việc của cha mẹ đã giúp em hoàn thành được phần mềm “Sức khỏe cho mọi người”. Nhờ sự hỗ trợ của cha mẹ, Thịnh đã thiết kế phần mềm gồm các chuyên mục cần thiết cho quá trình làm việc của y, bác sĩ, điều dưỡng qua các phác đồ điều trị, tương tác thuốc, quy trình kỹ thuật khám chữa bệnh, vươn tầm kiến thức y khoa,…
Tham gia cuộc thi, các em học sinh rất hào hứng, nhất là những em học tiểu học, lần đầu được chạm trán, thi đấu với các anh chị lớn hơn. Em Trần Đặng Duy Kha, Trường Tiểu học Phú Hữu 2, huyện Châu Thành, bộc bạch: “Mang sản phẩm đến dự thi em cũng run lắm, nhưng được sự vận động khuyến khích của thầy cô, em cũng tự tin tham gia. Đến đây mới thấy nhiều bạn, anh chị có những mô hình sáng tạo độc đáo rất nhiều. Vì vậy, em rất may mắn khi được tham gia cuộc thi, có cơ hội học tập thêm từ các anh chị, bạn bè”.
Một nét mới đáng chú ý nữa là các sản phẩm được xét chọn đều dựa trên tiêu chí ứng dụng thực tế chứ không như các năm là phát huy ý tưởng và tư duy sáng tạo trong các em. Điển hình, phần mềm tin học “Sức khỏe cho mọi người” của em Nguyễn Lê Gia Thịnh, Trường THCS Lê Quí Đôn, thành phố Vị Thanh; “Cùng bạn học toán lớp 6” của em Nguyễn Lê Như Ý, Trường THCS Ngô Quốc Trị, huyện Vị Thủy; mô hình “Đèn sách” của em Trương Bỉnh Tân và Nguyễn Huỳnh Giang Tân, Trường THCS Lê Quí Đôn, thành phố Vị Thanh. Đặc biệt, năm nay, lĩnh vực môi trường cũng xuất hiện nhiều sản phẩm được Hội đồng giám khảo đánh giá rất cao như: mô hình thí nghiệm tác hại của khói thuốc lá của em Nguyễn Anh Nam, Trường THCS Ngô Quốc Trị, huyện Vị Thủy; “Hệ thống xử lý hóa chất thừa phòng thí nghiệm hóa học cấp THCS” của nhóm tác giả Trường THCS Tân Bình, huyện Phụng Hiệp. Còn ở lĩnh vực sản phẩm thân thiện với môi trường được các em gửi đến nhiều thông điệp ý nghĩa về tình yêu quê hương, biển đảo như mô hình “Cột mốc Trường Sa - Hoàng Sa di động” được làm từ những chai nhựa đã qua sử dụng của em Nguyễn Thị Kiều Anh và Dương Cẩm Như, Trường Tiểu học Ngã Bảy 2. Nhìn chung, các sản phẩm dự thi đều có nét độc đáo riêng, gắn với thực tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả nói trên, dù đã trải qua 2 lần thi, nhưng đến nay vẫn chưa có sản phẩm đoạt giải đặc biệt. Chưa có cơ chế khuyến khích tạo cơ hội cho các nhà sáng chế trẻ biến ước mơ của mình trở thành hiện thực.
Cuộc thi lần II năm 2015, toàn tỉnh đã quy tụ gần 350 sản phẩm/mô hình đạt chất lượng. Có 85 sản phẩm đã được gửi dự thi cấp tỉnh. Ban giám khảo đã chọn, xét trao giải cho 36 mô hình/sản phẩm, chọn 8 sản phẩm/mô hình gửi tham dự cuộc thi cấp quốc gia sắp tới. |
Báo Hậu Giang