Nỗ lực bảo tồn các công viên địa chất

Núi mắt thần (núi thủng) nằm trên địa bàn xã Quốc Toản, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng là một thắng cảnh đang là điểm đến của khách du lịch.
Núi mắt thần (núi thủng) nằm trên địa bàn xã Quốc Toản, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng là một thắng cảnh đang là điểm đến của khách du lịch.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản địa chất, trong đó các công viên địa chất tại Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của địa phương và của Việt Nam trong cơ chế hợp tác đa phương.

Nỗ lực bảo tồn các công viên địa chất ảnh 1Núi lửa Nâm Ka, Công viên địa chất Đắk Nông. Ảnh: TTXVN phát

Phát huy giá trị các loại hình danh hiệu, di sản UNESCO

Theo ông Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất toàn cầu Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, Tiểu ban chuyên môn đã tích cực phối hợp cùng các chuyên gia để khảo sát thực địa tại các Công viên địa chất toàn cầu, đánh giá và định hướng phát triển. Theo đó, Tiểu ban đã lập kế hoạch và cùng với các Công viên địa chất thành viên tham dự các hoạt động và sự kiện do Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO và Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát động tổ chức như: Ngày Trái đất (22/4), ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5), ngày Môi trường Thế giới (5/6) nhằm tăng cường hỗ trợ các địa phương trong việc nâng cao nhận thức về ý nghĩa của các chương trình, hoạt động của UNESCO.

Với công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình danh hiệu, di sản UNESCO như: Công tác định kỳ kiểm tra, đánh giá các điểm di sản, cơ sở vật chất trên các tuyến du lịch Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, Công viên địa chất Đắk Nông…

Chia sẻ kinh nghiệm quá trình xây dựng và phát triển Công viên địa chất và hoàn thiện Hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu, ông Hoàng Xuân Đôn, Trưởng Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn cho biết, Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận thành viên mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu từ năm 2010, ở thời điểm đó là Công viên địa chất toàn cầu đầu tiên được công nhận ở khu vực Đông Nam Á. Sau 3 lần tái đánh giá (2014, 2018 và năm 2022), những giá trị vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tiếp tục hoàn thành tốt một số nội dung theo tiêu chí của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu.

Với nỗ lực thời gian qua, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đã thực hiện xuất sắc tất cả các khuyến nghị của Đoàn chuyên gia thẩm định Công viên địa chất toàn cầu Unesco. Theo đó, Hà Giang đã ưu tiên đầu tư xây mới và nâng cấp sửa chữa hệ thống cung cấp nước trên Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn gồm: 18 công trình hồ treo, 16 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, 2 công trình hồ chứa đa mục tiêu và nâng cấp sửa chữa các hệ thống cung cấp nước với tổng kinh phí là 577.849 triệu đồng (tương đương 25,3 triệu USD). Hà Giang cũng đã đầu tư 3 dự án với tổng dự toán trên 56 tỷ xây dựng hệ thống cấp nước cho huyện Đồng Văn theo công nghệ của PAT (không dùng đến điện năng). Đến nay, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây là 1 dự án rất được sự ủng hộ từ phía Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn cũng như chính quyền địa phương bởi tính bền vững của dự án.

“Trong thời gian tới, tỉnh Hà Giang tiếp tục triển khai một dự án tương tự ở huyện Mèo Vạc. Đồng thời, trong quy hoạch Hà Giang đã dự kiến triển khai thêm mỗi huyện vùng công viên địa chất ít nhất một dự án tương tự. Khuyến nghị này đã đạt 100% về xây dựng hệ thống cung cấp nước, 90% về chống rác thải nhựa và kiểm soát rác thải. Tuy vậy, trong tương lai Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn cần phải triển khai nhiều dự án hơn do nhu cầu, số lượng du khách ngày càng lớn”, ông Hoàng Xuân Đôn khẳng định.

Còn theo ông Vi Trần Thùy, Phó Trưởng Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, thời gian qua, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng đã tổ chức Hội nghị tập huấn phân loại, thu gom và xử lý rác thải tại nguồn tại điểm di sản làng đá Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh; hoàn thiện dự thảo đề cương trưng bày Trung tâm thông tin Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng tại thành phố Cao Bằng gửi Ban Quản lý dự án Đầu tư và xây dựng tỉnh Cao Bằng; khảo sát hiện trạng điểm di sản Biệt thự Pháp cổ để xây dựng phương án cải tạo, bảo tồn Biệt thự Pháp cổ trở thành trung tâm thông tin Bảo tàng văn hóa các dân tộc.

Ngoài ra, Ban Quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng cũng phối hợp khảo sát, hoàn thiện nội dung tuyến trải nghiệm số 4 trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng với tên gọi "Một thời hoa lửa; phối hợp, khảo sát, đánh giá xây dựng tuyến du lịch trải nghiệm thứ 5 kết nối Công viên địa chất Cao Bằng - Hà Giang…; phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam khảo sát di sản diện mạo địa chất núi lửa dưới đại dương cổ, đèo Khau Khoang, xã Thái Cường (huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng).

Nỗ lực bảo tồn các công viên địa chất ảnh 2Núi mắt thần (núi thủng) nằm trên địa bàn xã Quốc Toản, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng là một thắng cảnh đang là điểm đến của khách du lịch. Trung tâm của thắng cảnh là một ngọn núi có lỗ thủng lớn hình thành tự nhiên trong quá trình hình thành địa chất, nhìn xa như một con mắt. Dưới chân núi là một thung lũng thấp. Mùa hè, thung lũng này luôn ngập nước, tạo thành một lòng hồ rộng, xanh như ngọc bích. Mùa đông, hồ cạn nước, tạo thành bãi cỏ xanh như một sân Gofl tự nhiên tuyệt đẹp. Là một điểm nhấn của Công viên địa chất non nước toàn cầu non nước Cao Bằng, núi mắt thần ngày càng thu hút nhiều du khách đến thăm quan. Ảnh: TTXVN phát

Mở rộng hợp tác với các mạng lưới quốc tế

Để xây dựng, phát triển, quản lý hiệu quả các Công viên địa chất, ông Vi Trần Thùy cho rằng, công tác phối hợp giữa Ban Quản lý Công viên địa chất với các sở, ban, ngành và địa phương liên quan được thực hiện thường xuyên và hiệu quả. Đặc biệt, trong hợp tác mạng lưới, cần đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các danh hiệu của UNESCO nói chung và danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO nói riêng: Tích cực tham gia các hoạt động thường niên của Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu (GGN), Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á Thái Bình Dương (APGN), Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Âu (EGN).

Nhằm xây dựng một mô hình quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO ở Việt Nam thống nhất, hiệu quả, ông Trịnh Hải Sơn nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm 2023, Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất Việt Nam tiếp tục hướng dẫn các địa phương trong công tác quản lý, bảo tồn các điểm di sản trong vùng Công viên địa chất theo tiêu chí của UNESCO; trình Tiểu ban Khoa học Tự nhiên (Bộ Khoa học và Công nghệ) một số đề xuất nhằm hỗ trợ các địa phương trong việc phát triển Công viên địa chất.

Đồng thời, Tiểu ban sẽ hỗ trợ triển khai Đề án “Khoanh vùng và đề xuất phương án bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”; phối hợp với nhóm chuyên gia tư vấn khảo sát, lựa chọn điểm và vận hành tuyến du lịch thứ 4 trong vùng Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông.

Bên cạnh đó, Tiểu ban sẽ đề xuất với chính quyền các tỉnh Cao Bằng, Đắk Nông và Lạng Sơn xây dựng các Trung tâm nghiên cứu khoa học, Trung tâm hội nghị, hội thảo và khu lưu trú, dịch vụ cho chuyên gia gắn với công viên văn hóa tại các Công viên địa chất; xây dựng các Ban Quản lý Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO trở thành đơn vị hành chính sự nghiệp tiến tới tự chủ kinh phí hoạt động; tiếp tục phối hợp xây dựng triển khai phương án thu phí tham quan vùng Công viên địa chất để có nguồn tài chính hỗ trợ các hoạt động bảo tồn di sản địa chất, bảo vệ môi trường và hoạt động tăng cường sinh kế cho người dân trong vùng Công viên địa chất.

Đặc biệt, Tiểu ban sẽ tham gia Hội nghị Quốc tế về Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO lần thứ 10 tổ chức tại Ma-rốc; tiếp tục quan tâm hướng dẫn địa phương trong công tác quản lý, bảo tồn các điểm di sản trong vùng Công viên địa chất theo các tiêu chí của UNESCO.

Diệu Thúy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm