Máy sấy nông sản của Cơ sở chế biến nông sản Thùy Trang (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) được hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình Khuyến công Quốc gia năm 2018. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Trong năm 2018, tỉnh Ninh Thuận dành trên 1,2 tỷ đồng thực hiện hoạt động khuyến công; trong đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia chiếm 850 triệu đồng. Từ các nguồn kinh phí, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Ninh Thuận triển khai thực hiện 9 đề án. Theo đó, có 4 đề án khuyến công quốc gia bao gồm: hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến cho cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất ngói màu không nung tự động; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản; hỗ trợ ứng dụng thiết bị trong quy trình chế biến táo. Cùng với đó, 5 đề án khuyến công địa phương tập trung vào các hoạt động: tập huấn chính sách, sản xuất sạch hơn; thông tin tuyên truyền; tổ chức hội chợ triển lãm.
Là một trong những đơn vị được thụ hưởng ưu đãi từ chính sách khuyến công, bà Võ Thị Thùy Trang, chủ cơ sở chế biến nông sản Thùy Trang, phường Đông Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm chia sẻ, trước đây, cơ sở gặp không ít khó khăn về vốn nên không có điều kiện đầu tư máy sấy, các sản phẩm như nho, táo, rong sụn chủ yếu sử dụng năng lượng mặt trời (phơi nắng) để sấy nên tốn nhiều thời gian và công lao động, hiệu quả sản xuất thấp. Tháng 9/2018, được Trung tâm khuyến công tỉnh hỗ trợ 150 triệu đồng, cơ sở đã mạnh dạn đầu tư thêm 170 triệu đồng mua 2 máy sấy nông sản. Qua thời gian sử dụng, sản phẩm được sấy từ máy cho chất lượng đồng đều, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian sấy, năng lực sản xuất cơ sở được cải thiện rõ rệt.
Ứng dụng máy sấy nông sản giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nho sấy. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Ông Võ Viết Hiếu, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Ninh Thuận cho biết, các chương trình khuyến công đã hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn thúc đẩy sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của thị trường. Mặt khác, khuyến khích các cơ sở khai thác tốt tiềm năng nguồn nguyên liệu hiện có trên địa bàn tỉnh, tạo ra giá trị sản xuất chung cho toàn ngành, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa.
Tuy nhiên, hiện nguồn ngân sách triển khai các hoạt động khuyến công hạn hẹp nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Trong khi đó, nhu cầu kinh phí khuyến công đòi hỏi hỗ trợ trên nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực. Theo khảo sát toàn tỉnh hiện có trên 4.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Các cơ sở công nghiệp nông thôn đa phần có điểm xuất phát thấp, quy mô nhỏ lẻ, hoạt động sản xuất chủ yếu dựa vào nội lực và kinh nghiệm, chưa có kế hoạch định hướng và phát triển lâu dài. Khả năng tiếp cận nguồn vốn, công nghệ mới của các cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn cũng còn nhiều khó khăn. Tốc độ phát triển công nghiệp nông thôn còn chậm và không đồng đều giữa các địa phương, chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Trong thời gian tới, để góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động khu vực nông thôn, các chương trình khuyến công của Ninh Thuận tiếp tục hướng đến các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn với các nội dung hỗ trợ như: chuyển giao, đổi mới dây chuyền công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường vào sản xuất; phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất; đào tạo nghề; nâng cao năng lực quản lý cho các chủ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ quảng bá thương hiệu, liên kết các thị trường tìm đầu ra cho sản phẩm.
Nguyễn Thành