Những ngày vừa qua, địa bàn tỉnh Ninh Bình có mưa lớn trên diện rộng, kết hợp với nước lũ từ thượng nguồn đổ về sông Hoàng Long đã khiến nhiều diện tích tại các huyện Nho Quan, Gia Viễn bị ngập. Nước lũ trên sông Hoàng Long qua các địa phương này được cảnh báo ở mức trên báo động II.
Chiều 9/9, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, mưa đã tạnh, nước lũ tại một số xã ngoài đê thuộc địa bàn các huyện Nho Quan, Gia Viễn đã bắt đầu rút, nhưng nhiều diện tích lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản vẫn bị ngập. Cùng với đó, hàng trăm ngôi nhà vẫn bị ảnh hưởng do nước lũ dâng. Nước lũ đã làm chia cắt toàn bộ thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn. Phương tiện duy nhất có thể đi vào thôn này là tàu, thuyền.
Hiện thôn Kênh Gà có 651 hộ dân với hơn 2.400 nhân khẩu. Nước lũ về đã chia cắt toàn bộ thôn với xã Gia Thịnh. Tính đến chiều 9/9, nước lũ vẫn rất cao khiến tất cả các con đường trong thôn đều bị ngập từ vài chục centimet đến hơn 1,5m. Cuộc sống của người dân cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Trường học phải đóng cửa, các hoạt động kinh doanh buôn bán của người dân phải tạm ngưng.
Người dân thôn Kênh Gà không còn xa lạ với cảnh nước lũ về như những ngày vừa qua, bởi gần như năm nào họ cũng phải sống với cảnh này, do đặc thù toàn bộ thôn đều nằm phía ngoài đê. Chính vì đặc thù địa lý như vậy, nhà nào trong thôn cũng chuẩn bị các phương án phòng lũ như: xây dựng gác xép để chứa đồ đạc, vật dụng hoặc làm những chuồng nổi để nuôi gà, vịt, lợn...
Ông Trần Văn Động, thôn Kênh Gà cho biết, mặc dù năm nào cũng bị lũ về và đã chuẩn bị nhiều phương án ứng phó theo khuyến cáo của chính quyền địa phương, nhưng nước lên cao vẫn khiến sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Gia đình ông phải thức trắng đêm chuyển đồ đạc lên cao.
Theo ông Nguyễn Huy Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Thịnh, xã đã chuẩn bị phương án phòng, chống lũ lụt hàng năm. Riêng thôn Kênh Gà, xã đặc biệt quan tâm vì ở đây toàn bộ là đồng bào có đạo sống chung với lũ. Mùa mưa bão này, địa phương đã tuyên truyền để người dân chuẩn bị lương thực, thực phẩm. Công tác sơ tán tài sản lên vùng không có lũ được chuẩn bị từ trước. Xã chuẩn bị nhiều thuyền lớn để sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn khi đỉnh lũ cao. Đồng thời, UBND xã Gia Thịnh đã thành lập đội xung kích để huy động bất cứ lúc nào.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Viễn, hiện trên địa bàn không bị ảnh hưởng nhiều bởi mưa, lũ, ngoại trừ thôn Kênh Gà bị cô lập hoàn toàn, do vị trí địa lý ở ngoài đê. Huyện đang vận hành 74 máy bơm tại 17 trạm trên địa bàn nhằm tiêu úng cho diện tích trên. Theo thống kê, toàn huyện có trên 300 ha lúa bị ảnh hưởng, ngập 2/3 cây, đến nay nước đã rút và không gây thiệt hại.
Xã Gia Thủy là một trong nhiều xã có diện tích ngoài đê của huyện Nho Quan, do đó không tránh khỏi tình trạng bị ngập. Đỉnh điểm nhất là đêm 8/9, nhiều con đường tại các thôn Liên Phương, Ngọc Nhị... nhiều nơi nước dâng cao tới nửa mét, có nơi không xác định được đâu là đường, đâu là ruộng, đã gây rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân. Theo thống kê, những ngày qua, toàn xã có 250 hộ bị ảnh hưởng và trên 18 ha lúa, hoa màu bị ngập.
Người dân nơi đây đã quá quen thuộc với chu kỳ nước lũ về. Thế nhưng, mỗi khi nước dâng, cuộc sống của họ lại có nhiều đảo lộn. Ông Hà Viết Đức, thôn Ngọc Nhị, xã Gia Thủy, huyện Nho Quan cho biết, mấy ngày nay, mưa lớn khiến nước dâng cao, gia đình ông phải gửi nhiều hàng hóa, vật dụng lên hội trường UBND xã. "Ở đây, năm nào cũng lụt. Năm 2017, lụt lớn nhất, nước ngập ngang nhà. Người dân ở đây sống quen rồi nên không bất ngờ, nhưng sinh hoạt rất bất tiện", ông chia sẻ.
Theo thống kê, huyện Nho Quan có 107 ha lúa và hoa màu cùng 68 ha lúa cá bị ngập. Bên cạnh đó, trên 530 hộ bị ảnh hưởng do nước dâng ở mức dưới 1m. Diện tích bị ảnh hưởng chủ yếu tại các xã Xích Thổ, Gia Sơn, Gia Tường, Gia Thủy, Gia Lâm, Đức Long...
Theo ông Nguyễn Cao Các, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan, để ứng phó với tình hình mưa lũ hiện nay, huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ; tổ chức tuần tra, thực hiện canh gác 24/24 giờ tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, khu vực không đảm bảo an toàn; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện sẵn sàng ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ".
Để ứng phó với tình hình mưa lũ, ngày 9/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đã ban hành văn bản số 74/BCH-VP về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập úng tại các vùng trũng thấp và lũ trên sông Hoàng Long, sông Đáy.
Dự báo từ ngày 9-10/9, các sông thuộc khu vực tỉnh Ninh Bình có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1,5 - 3,5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế có khả năng ở mức báo động III, sông Đáy tại Ninh Bình ở mức báo động I. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình yêu cầu các đơn vị tổ chức kiểm tra thực tế hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng, chống thiên tai, triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu, các công trình đang thi công dở dang theo phương châm "4 tại chỗ", đặc biệt lưu ý các hồ thủy lợi xung yếu.
Các đơn vị bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du (nhất là hồ Yên Thắng, huyện Yên Mô, hồ Đồng Chương, huyện Nho Quan và đập dâng Thác La, huyện Nho Quan); đồng thời chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị khi có yêu cầu, sẵn sàng xử lý tình huống có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, các đơn vị tổ chức lực lượng, thực hiện công tác tuần tra, canh gác theo quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 6/1/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn tuần tra, canh gác, bảo vệ đê điều trong mùa lũ, bão để phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.
Đức Phương