Bài 1: Xung kích trên "mặt trận" kinh tế
Tự tìm tòi, học hỏi và áp dụng sáng tạo vào thực tiễn, thương binh 3/4 Nguyễn Minh Tâm ở xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, đã thành công trong mô hình chăn nuôi lợn nái và lợn thịt sạch. Thương binh Nguyễn Minh Tâm là điển hình ở địa phương trong làm kinh tế hộ gia đình, đồng thời là tấm gương cựu chiến binh tích cực tham gia hoạt động xã hội, giúp đỡ đồng đội và cộng đồng.
Dám nghĩ, dám làm
Đến ấp 4, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, hỏi ông Sáu Tâm “trại heo”, ai cũng biết bởi ông là một trong những người tiên phong mang kỹ thuật nuôi lợn quy mô lớn về địa phương. Hiện nay, ông là một trong những chủ trang trại lợn lớn trên địa bàn.
Năm 1982, ông Nguyễn Minh Tâm về hưu, với hành trang là tờ giấy chứng nhận thương binh 3/4 và lòng quyết tâm đã được tôi rèn qua quân ngũ... Trải qua gần 20 năm vất vả mưu sinh với đủ mọi nghề nhưng cuộc sống vẫn bộn bề khó khăn, đến năm 2000, cũng như nhiều gia đình khác ở Phước Vĩnh An, ông Tâm bắt đầu nuôi lợn.
Vợ chồng ông thay nhau chăm chút cho lứa lợn nái đầu tiên. Thấy bà con trong xóm tìm đến hỏi mua lợn con nhiều, ông Tâm quyết định giữ lại 8 con lợn nái trong đàn lợn 12 con mới đẻ để tiếp tục nhân giống.
Việc nuôi lợn nái không đơn giản, ông Tâm phải đi tìm hiểu, hỏi kinh nghiệm của những người đi trước về kỹ thuật lấy tinh lợn, cách phối giống, chăm sóc lợn khi mang thai, khi sinh và sau sinh…
Ông chia sẻ, khi đàn lợn giống đã lên tới trên dưới 20 con, tự thấy “không thày đố mày làm nên”, ông quyết định tìm đến các Giáo sư Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh để “thụ giáo” kiến thức chăn nuôi, sản xuất thức ăn gia súc theo công nghệ sạch.
Ông còn nhờ các con hướng dẫn sử dụng máy tính để lên mạng tìm hiểu kiến thức chăn nuôi, kết hợp những bài học từ các thầy và thực tế tại cơ sở chăn nuôi trong, ngoài nước để áp dụng cho đàn lợn của gia đình.
Đến những năm 2004-2005, trải qua nhiều lần thử nghiệm từ thất bại đến thành công, ông Tâm đã tự tin nắm bắt đủ kiến thức cần thiết và quyết định đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất thức ăn gia súc, chăn nuôi đàn lợn nái, lợn thịt.
Đến nay, gia đình ông Tâm có khoảng 180 con lợn nái, hơn 1.000 con lợn thịt, chưa kể đàn lợn giống sau sinh, được nuôi theo đúng quy trình và tiêu chuẩn chăn nuôi VietGap. Chuồng trại chăn nuôi được xây dựng đúng tiêu chuẩn, đảm bảo cho việc chăm sóc, tiết kiệm nhân lực, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tất cả lợn giống, đàn lợn thịt đều có một bảng ghi chép bao gồm các thông số sinh học như tuổi, cân nặng, ngày phối giống, loại thức ăn, thuốc đã và đang sử dụng… Các thông số sinh học của từng con lợn được số hóa trên máy tính, giúp ông theo dõi, điều chỉnh lượng thức ăn, chế độ chăm sóc phù hợp cho từng giai đoạn, mang lại hiệu suất cao trong chăn nuôi.
Theo chia sẻ của ông Tâm, sau một thời gian giá lợn xuống bất thường khiến người chăn nuôi phải bù lỗ, đến nay giá lợn thịt đã ổn định, mỗi tháng, trang trại của ông xuất chuồng khoảng 15 tấn lợn thịt, thu lãi khoảng 150 triệu đồng.
Khi được hỏi về bí kíp làm nên sự thành công của mình, ông Tâm nói: “Tôi chỉ nghĩ rằng đã từng là chiến sỹ thì phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chịu khó học hỏi, tìm tòi và cố gắng ắt sẽ thành công”.
Ông Huỳnh Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Củ Chi cho biết: Ông Sáu Tâm là tấm gương điển hình về người lính Cụ Hồ trong làm kinh tế. Thời gian tới, Hội Cựu chiến binh Củ Chi sẽ tập hợp những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi làm hạt nhân để hỗ trợ, hướng dẫn các cựu chiến binh làm kinh tế. Bên cạnh đó, Hội sẽ nhân rộng mô hình tốt, những điển hình tiên tiến như ông Sáu Tâm.
Dành tiền lương để làm việc thiện
Chia sẻ khi tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Ba (trú tại ấp 6, xã Phước Vĩnh An) trong chương trình “Trở về với Mẹ” do Hội Cựu chiến binh huyện Củ Chi tổ chức, ông Tâm cho biết: Khi cuộc sống gia đình đã tạm ổn, ông có điều kiện thực hiện nghĩa cử với đồng chí, đồng đội mình. Nhiều năm nay, ông dành toàn bộ số tiền lương hưu, chế độ thương binh để làm việc thiện.
Hằng năm, ông Tâm hỗ trợ lợn giống cho 15 hội viên Hội Cựu chiến binh, người nghèo trong xã, tham gia các chương trình thăm hỏi, tặng quà và hỗ trợ cựu chiến binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, người nghèo trong xã; tặng 10 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó và hỗ trợ Quỹ khuyến học theo nhu cầu học sinh hàng năm như sách vở, xe đạp....
Bên cạnh đó, ông còn tích cực vận động các đối tác kinh tế của mình đóng góp hỗ trợ cất nhà tình thương, sửa chữa nhà cho cựu chiến binh, thương binh trong xã.
Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Củ Chi Huỳnh Văn Hoàng, ông Tâm đã làm tốt trách nhiệm với đồng đội. Ngoài ra, mỗi năm, ông đóng góp hàng trăm triệu đồng cho hoạt động xã hội giúp đỡ đồng đội, thương binh, người nghèo trong xã. Các con em cựu chiến binh, thương binh, người nghèo trong xã được ông Tâm nhận vào làm việc với mức lương ổn định và khá cao so với mặt bằng chung của địa phương.
“Ông Tâm là một trong những điển hình trong phong trào thương binh, cựu chiến binh đã và đang nỗ lực vươn lên thoát khỏi sự giúp đỡ của xã hội để quay lại hỗ trợ cộng đồng”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Tinh thần vươn lên làm kinh tế giỏi và thực hiện nghĩa cử cao đẹp với đồng đội và người dân trong khu vực của ông Sáu Tâm được đánh giá cao ở huyện Củ Chi.
Nói về thương binh Sáu Tâm, Trung tá Đỗ Trọng Kính, cán bộ Hội Cựu chiến binh xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, cho biết: Những việc làm của ông Sáu Tâm khiến các cựu chiến binh nể phục và học tập.
Điều kiện khác nhau, sự đóng góp cũng khác nhau, nhưng các cựu chiến binh cùng nỗ lực để xứng đáng với vai trò cựu chiến binh trong thời bình, góp phần dựng xây quê hương, đất nước./.
Tự tìm tòi, học hỏi và áp dụng sáng tạo vào thực tiễn, thương binh 3/4 Nguyễn Minh Tâm ở xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, đã thành công trong mô hình chăn nuôi lợn nái và lợn thịt sạch. Thương binh Nguyễn Minh Tâm là điển hình ở địa phương trong làm kinh tế hộ gia đình, đồng thời là tấm gương cựu chiến binh tích cực tham gia hoạt động xã hội, giúp đỡ đồng đội và cộng đồng.
Thương binh 3/4 Nguyễn Minh Tâm, chủ trang trại chăn nuôi lợn Tiến Phát ở xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi đang hướng dẫn công nhân chăm sóc lợn mới đẻ. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN |
Dám nghĩ, dám làm
Đến ấp 4, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, hỏi ông Sáu Tâm “trại heo”, ai cũng biết bởi ông là một trong những người tiên phong mang kỹ thuật nuôi lợn quy mô lớn về địa phương. Hiện nay, ông là một trong những chủ trang trại lợn lớn trên địa bàn.
Năm 1982, ông Nguyễn Minh Tâm về hưu, với hành trang là tờ giấy chứng nhận thương binh 3/4 và lòng quyết tâm đã được tôi rèn qua quân ngũ... Trải qua gần 20 năm vất vả mưu sinh với đủ mọi nghề nhưng cuộc sống vẫn bộn bề khó khăn, đến năm 2000, cũng như nhiều gia đình khác ở Phước Vĩnh An, ông Tâm bắt đầu nuôi lợn.
Vợ chồng ông thay nhau chăm chút cho lứa lợn nái đầu tiên. Thấy bà con trong xóm tìm đến hỏi mua lợn con nhiều, ông Tâm quyết định giữ lại 8 con lợn nái trong đàn lợn 12 con mới đẻ để tiếp tục nhân giống.
Việc nuôi lợn nái không đơn giản, ông Tâm phải đi tìm hiểu, hỏi kinh nghiệm của những người đi trước về kỹ thuật lấy tinh lợn, cách phối giống, chăm sóc lợn khi mang thai, khi sinh và sau sinh…
Ông chia sẻ, khi đàn lợn giống đã lên tới trên dưới 20 con, tự thấy “không thày đố mày làm nên”, ông quyết định tìm đến các Giáo sư Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh để “thụ giáo” kiến thức chăn nuôi, sản xuất thức ăn gia súc theo công nghệ sạch.
Ông còn nhờ các con hướng dẫn sử dụng máy tính để lên mạng tìm hiểu kiến thức chăn nuôi, kết hợp những bài học từ các thầy và thực tế tại cơ sở chăn nuôi trong, ngoài nước để áp dụng cho đàn lợn của gia đình.
Đến những năm 2004-2005, trải qua nhiều lần thử nghiệm từ thất bại đến thành công, ông Tâm đã tự tin nắm bắt đủ kiến thức cần thiết và quyết định đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất thức ăn gia súc, chăn nuôi đàn lợn nái, lợn thịt.
Đến nay, gia đình ông Tâm có khoảng 180 con lợn nái, hơn 1.000 con lợn thịt, chưa kể đàn lợn giống sau sinh, được nuôi theo đúng quy trình và tiêu chuẩn chăn nuôi VietGap. Chuồng trại chăn nuôi được xây dựng đúng tiêu chuẩn, đảm bảo cho việc chăm sóc, tiết kiệm nhân lực, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tất cả lợn giống, đàn lợn thịt đều có một bảng ghi chép bao gồm các thông số sinh học như tuổi, cân nặng, ngày phối giống, loại thức ăn, thuốc đã và đang sử dụng… Các thông số sinh học của từng con lợn được số hóa trên máy tính, giúp ông theo dõi, điều chỉnh lượng thức ăn, chế độ chăm sóc phù hợp cho từng giai đoạn, mang lại hiệu suất cao trong chăn nuôi.
Theo chia sẻ của ông Tâm, sau một thời gian giá lợn xuống bất thường khiến người chăn nuôi phải bù lỗ, đến nay giá lợn thịt đã ổn định, mỗi tháng, trang trại của ông xuất chuồng khoảng 15 tấn lợn thịt, thu lãi khoảng 150 triệu đồng.
Khi được hỏi về bí kíp làm nên sự thành công của mình, ông Tâm nói: “Tôi chỉ nghĩ rằng đã từng là chiến sỹ thì phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chịu khó học hỏi, tìm tòi và cố gắng ắt sẽ thành công”.
Ông Huỳnh Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Củ Chi cho biết: Ông Sáu Tâm là tấm gương điển hình về người lính Cụ Hồ trong làm kinh tế. Thời gian tới, Hội Cựu chiến binh Củ Chi sẽ tập hợp những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi làm hạt nhân để hỗ trợ, hướng dẫn các cựu chiến binh làm kinh tế. Bên cạnh đó, Hội sẽ nhân rộng mô hình tốt, những điển hình tiên tiến như ông Sáu Tâm.
Thương binh 3/4 Nguyễn Minh Tâm ở xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi (thứ 2 từ trái sang) cùng các cựu chiến binh đến thăm hỏi, trao tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Ba ở ấp 6, xã Phước Vĩnh An, trong chương trình “Về với Mẹ”, nhân dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN |
Dành tiền lương để làm việc thiện
Chia sẻ khi tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Ba (trú tại ấp 6, xã Phước Vĩnh An) trong chương trình “Trở về với Mẹ” do Hội Cựu chiến binh huyện Củ Chi tổ chức, ông Tâm cho biết: Khi cuộc sống gia đình đã tạm ổn, ông có điều kiện thực hiện nghĩa cử với đồng chí, đồng đội mình. Nhiều năm nay, ông dành toàn bộ số tiền lương hưu, chế độ thương binh để làm việc thiện.
Hằng năm, ông Tâm hỗ trợ lợn giống cho 15 hội viên Hội Cựu chiến binh, người nghèo trong xã, tham gia các chương trình thăm hỏi, tặng quà và hỗ trợ cựu chiến binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, người nghèo trong xã; tặng 10 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó và hỗ trợ Quỹ khuyến học theo nhu cầu học sinh hàng năm như sách vở, xe đạp....
Bên cạnh đó, ông còn tích cực vận động các đối tác kinh tế của mình đóng góp hỗ trợ cất nhà tình thương, sửa chữa nhà cho cựu chiến binh, thương binh trong xã.
Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Củ Chi Huỳnh Văn Hoàng, ông Tâm đã làm tốt trách nhiệm với đồng đội. Ngoài ra, mỗi năm, ông đóng góp hàng trăm triệu đồng cho hoạt động xã hội giúp đỡ đồng đội, thương binh, người nghèo trong xã. Các con em cựu chiến binh, thương binh, người nghèo trong xã được ông Tâm nhận vào làm việc với mức lương ổn định và khá cao so với mặt bằng chung của địa phương.
“Ông Tâm là một trong những điển hình trong phong trào thương binh, cựu chiến binh đã và đang nỗ lực vươn lên thoát khỏi sự giúp đỡ của xã hội để quay lại hỗ trợ cộng đồng”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Tinh thần vươn lên làm kinh tế giỏi và thực hiện nghĩa cử cao đẹp với đồng đội và người dân trong khu vực của ông Sáu Tâm được đánh giá cao ở huyện Củ Chi.
Nói về thương binh Sáu Tâm, Trung tá Đỗ Trọng Kính, cán bộ Hội Cựu chiến binh xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, cho biết: Những việc làm của ông Sáu Tâm khiến các cựu chiến binh nể phục và học tập.
Điều kiện khác nhau, sự đóng góp cũng khác nhau, nhưng các cựu chiến binh cùng nỗ lực để xứng đáng với vai trò cựu chiến binh trong thời bình, góp phần dựng xây quê hương, đất nước./.
Xuân Khu
Bài 2: Hết lòng với cộng đồng
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN