Nghề giáo cần một tấm lòng Đều đặn thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, một số học sinh có học lực kém ở lớp 5D Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1, thành phố Vinh lại đến nhà cô Nguyễn Thị Mai để được phụ đạo miễn phí. Xuất phát từ suy nghĩ hãy xem mỗi học sinh như con của mình, phải đặt mình ở vị trí của phụ huynh để biết rằng phụ huynh cần gì ở con mình, mong muốn điều gì, khi đó mình mới dạy tốt được, cô Nguyễn Thị Mai không chỉ truyền tải kiến thức cho học sinh mà quan trọng nhất là giúp các em phát triển toàn diện. Đặc biệt, cô luôn quan tâm đến học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn, học sinh chưa ngoan, học sinh có học lực yếu. "Để thay đổi các em chỉ có một cách là dùng tình yêu thương, động viên, gần gũi, quan tâm và khích lệ các em hàng ngày”, cô Mai chia sẻ. Những em học lực yếu, nắm bắt kiến thức chưa tốt phải có thời gian kèm cặp riêng. Vì vậy vào giờ ra chơi, trước giờ ngủ trưa, đầu giờ học cô Mai đều dành thời gian kèm riêng cho các em, thậm chí kèm thêm tại nhà riêng của cô vào những ngày nghỉ. Đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc mồ côi, cô Mai đồng cảm sâu sắc bởi tuổi thơ của cô cũng trải qua trong khó khăn, thiếu thốn. Với những học sinh tinh nghịch, hiếu động, cô Mai cảm hóa bằng tình yêu thương với suy nghĩ trao yêu thương sẽ nhận được yêu thương. “Tôi coi các em như con của mình để nắm bắt tâm lý và có phương pháp giáo dục phù hợp. Niềm vui của tôi là sự trân trọng của phụ huynh, của đồng nghiệp và của học sinh”, cô Nguyễn Thị Mai bộc bạch. Cô Nguyễn Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1, thành phố Vinh cho biết: Cô Nguyễn Thị Mai là giáo viên giản dị, tâm huyết với nghề, vượt lên khó khăn về hoàn cảnh từ một giáo viên miền núi nhưng khi về thành phố đã hòa nhập rất nhanh. Điều đáng quý ở cô chính là tấm lòng với học trò đã khơi dậy trong các em niềm yêu thích học, quý mến cô, yêu trường hơn. Các phụ huynh có con là học sinh của cô Mai đều rất yên tâm. Với sự nỗ lực không ngừng trong công tác, nhiều năm liền, cô Nguyễn Thị Mai đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, có nhiều sáng tạo trong giảng dạy và các hoạt động ngoại khóa của nhà trường, được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của tỉnh Nghệ An.Dạy những điều học sinh cần Tốt nghiệp đại học năm 1993, cô giáo Nguyễn Thị Kim Anh xác định gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp giáo dục. Vì vậy từ khi vào nghề, cô Kim Anh luôn học tập tu dưỡng, rèn luyện để trở thành giáo viên giỏi.
Cô Nguyễn Thị Kim Anh kiểm tra giờ tự học của học sinh trường Tiểu học Châu Khê (Con Cuông, Nghệ An). Ảnh: Bích Huệ - TTXVN |
Bước ngoặt đối với cô Nguyễn Thị Kim Anh đó là năm 2007 cô đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học 2 Lục Dạ, huyện Con Cuông. Đây là ngôi trường ở vùng đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Con Cuông với 5 điểm trường. Các điểm trường đóng dàn trải, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, trong đó có 1/3 học sinh là người dân tộc Đan Lan. Tại thời điểm cô Kim Anh nhận nhiệm vụ, Trường Tiểu học 2 Lục Dạ được Phòng Giáo dục và Đào tạo Con Cuông đánh giá là đơn vị yếu nhất toàn huyện. Nhớ lại những ngày ấy, cô Kim Anh bảo rằng có lúc cô cảm thấy quá sức của mình. Song với sự kỳ vọng và tin tưởng của cấp trên, đam mê và sự cố gắng của bản thân cùng với sự đồng lòng của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường, cô sớm tiếp cận nhanh với môi trường công tác mới. Cô Kim Anh luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện các cuộc vận động và các phong trào thi đua, không ngại làm thêm việc, không ngại thay đổi, cái gì có lợi cho nhà trường, cho giáo viên và học sinh sẽ quyết tâm làm. Cô luôn sâu sát cụ thể, trực tiếp tới từng công việc, từng cán bộ giáo viên và học sinh. “Lắng nghe, khơi dậy tiềm năng, sức mạnh của đội ngũ để tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục của nhà trường. Từ đó, tôi đã quy tụ, thu hút được sự đồng lòng của tập thể trở thành động lực lớn nhất giúp tôi thành công trong công tác quản lý”, cô Kim Anh chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Kim Anh nhảy sạp cùng với học sinh trường Tiểu học Châu Khê (Con Cuông, Nghệ An). Ảnh: Bích Huệ - TTXVN |
Nhiều năm liên tục, cô Kim Anh đã tập trung các giải pháp để huy động 100% học sinh đến trường; không có học sinh bỏ học giữa chừng; huy động 100% học sinh tham gia học 2 buổi/ngày. Nhà trường đã có những chuyển biến mạnh mẽ, là điểm sáng về chất lượng giáo dục huyện miền núi Con Cuông; được Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá thực hiện có hiệu quả chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học theo mô hình chuyển đổi dạy học cả ngày (SEQAP). Mô hình của trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao và nhân rộng ra một số địa phương khác. Trong thời gian công tác, cô Kim Anh đã tập trung các giải pháp để bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ, bồi dưỡng giáo viên trở thành giáo viên dạy giỏi các cấp. Cô Kim Anh đã trực tiếp bồi dưỡng và giúp đỡ 40 lượt giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 6 lượt giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Từ kinh nghiệm 10 năm làm công tác giảng dạy và 16 năm làm công tác quản lý giáo dục, cô Kim Anh tự nhận thức và xác định cho mình điều cần thiết đầu tiên đối với nhà giáo là phải có đạo đức nghề nghiệp, chuyên tâm, tâm huyết với nghề, tận tâm, tận tụy với học sinh. Người giáo viên muốn dạy giỏi phải có kiến thức chuyên môn vững vàng, kiến thức xã hội sâu sắc, có phương pháp giảng dạy khoa học, phù hợp với trình độ, đối tượng học sinh.
Cô Nguyễn Thị Kim Anh được tôn vinh "Nhà giáo của năm". Ảnh: Bích Huệ - TTXVN |
Dù trải qua ở đơn vị nào, ở vùng đặc biệt khó khăn hay thuận lợi, cô Nguyễn Thị Kim Anh luôn sáng tạo, đi đầu trong công tác quản lý giáo dục ở địa phương; biết nắm bắt tình hình điều kiện thực tế của đơn vị, của địa phương để xây dựng kế hoạch và mạnh dạn đưa ra các giải pháp trong công tác quản lý chỉ đạo để đưa chất lượng giáo dục của nhà trường ngày một phát triển đi lên. Ghi nhận những nỗ lực đó, năm 2017, cô Nguyễn Thị Kim Anh được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen. Năm 2019, cô Kim Anh được Công đoàn Giáo dục Việt Nam tôn vinh là Nhà giáo của năm.
Bích Huệ