Đại úy, BS. Bùi Huy Ban, Bệnh xá trưởng đảo Sinh Tồn khám chữa cho bệnh nhân. Ảnh: suckhoedoisong.vn |
Trong chuyến công tác đến với Trường Sa, chúng tôi có dịp tiếp xúc với các y, bác sĩ đang công tác tại các điểm đảo của quần đảo Trường Sa. Trong bộ quân phục xanh đậm, những người lính quân y ở đây mang một trọng trách lớn - đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và cả nhân dân, ngư dân. Giữa muôn trùng sóng gió, trang thiết bị thiếu thốn nhưng công tác khám chữa bệnh ở đây luôn được đảm bảo. Nhiều ca chấn thương nặng đã được các y, bác sĩ xử lý kịp thời, đảm bảo sức khỏe cho các bệnh nhân khi chuyển về đất liền điều trị. Nhớ lại những ca cấp cứu khó khăn nhất, Đại úy Nguyễn Thế Anh, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân y đảo Nam Yết chia sẻ về trường hợp một ngư dân bị tai nạn lao động khi đang đánh bắt hải sản ngoài biển. Ngư dân được đưa tới cấp cứu tại Bệnh xá Quân y đảo Nam Yết trong tình trạng dập nát bàn tay. Ngay lập tức, các y, bác sỹ của bệnh xá đã tiến hành sơ cứu, thăm khám. Xác định đây là trường hợp nguy hiểm, đội ngũ bác sĩ đã phối hợp với các bác sĩ đầu ngành có bề dày kinh nghiệm tại Bệnh viện Quân y 103, hội chẩn thông qua hệ thống truyền dữ liệu và hội chẩn từ xa Telemedicine. “Đây là một trong những ca phẫu thuật khó từ trước đến nay mà bệnh xá đã tiếp nhận. Với các bác sỹ chuyên khoa trình độ cao, bằng kinh nghiệm cũng như sự hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể, bệnh nhân đã được cấp cứu thành công. Ngay sau đó, bệnh nhân đã được đưa về đất liền tiếp tục điều trị”- Đại úy Nguyễn Thế Anh cho biết. Bên cạnh việc đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ công tác trên đảo, cấp cứu kịp thời các ngư dân bị tai nạn lao động, những người lính Quân y trên quần đảo Trường Sa còn là điểm tựa cho các hộ dân sinh sống giữa quần đảo Trường Sa. Ngoài chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, những người lính Quân y nơi đây còn là những “thầy giáo ngoại ngữ” cho các em nhỏ giữa muôn trùng sóng gió. Anh Sầm Văn Lương, người dân xã đảo Song Tử Tây tâm sự: “Chúng tôi sinh sống trên đảo, khí hậu khắc nghiệt, ra khơi đánh bắt hải sản thường gặp phải những bệnh nghề biển đều được các bác sỹ trên đảo tận tình thăm khám, cấp phát thuốc. Trẻ con ở nhà có đau ốm cũng yên tâm hơn vì trên đảo đã có các thầy thuốc tận tâm, lành nghề. Bên cạnh đó, các anh còn là những người thầy giáo dạy ngoại ngữ, kiến thức cho các em nữa. Chúng tôi xem các anh như người nhà, người anh em ruột thịt”. Với điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện trang thiết bị còn khó khăn, cách xa đất liền hàng trăm hải lý, việc khám, chữa bệnh và cứu chữa quân dân ngoài quần đảo Trường Sa là không hề đơn giản. Nhưng nhờ được sự quan tâm từ đất liền, hệ thống y tế ở đảo xa đã từng bước được đầu tư, hoàn thiện, hỗ trợ tốt hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe cho quân và dân tại Trường Sa. Hệ thống trang thiết bị y tế trên đảo được thay mới, bổ sung nhiều thiết bị hiện đại như: máy chụp X- quang kỹ thuật số, máy siêu âm màu 4 chiều, máy gây mê kèm thở… Đặc biệt, nhằm hỗ trợ hơn nữa trong công tác chẩn đoán bệnh, hệ thống truyền dữ liệu và hội chẩn từ xa Telemedicine đã được trang bị tại quần đảo Trường Sa. Qua đó, tạo điều kiện cho y, bác sỹ Trường Sa được tham khảo ý kiến, tiếp nhận sự phối hợp của những chuyên gia đầu ngành tại các bệnh viện lớn của Trung ương trong xử lý nhanh chóng, kịp thời những ca bệnh khó. Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân y đảo Sơn Ca chia sẻ: “Được ra đảo làm nhiệm vụ là trách nhiệm và nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng mà đất liền đã gửi gắm cho mỗi người lính Quân y chúng tôi. Chúng tôi luôn phấn đấu học tập, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ bản thân, học hỏi từ đồng nghiệp và tìm hiểu, vận dụng tối đa điều kiện thực tế tại đảo. Qua đó, làm tốt hơn nữa công tác khám, chữa bệnh, trở thành điểm tựa vững chắc cho quân dân trên đảo cũng như hỗ trợ ngư dân đang ngày đêm bám biển”.
Khôi Nguyên