Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai đã có nhiều đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, góp phần nâng cao giá trị sống người dân, thay đổi diện mạo các vùng quê trong tỉnh.
Theo bà Phạm Thị Tố Hải, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai, gia đình là tế bào của xã hội, một gia đình đầm ấm, vững chắc sẽ tạo nên một xã hội phồn vinh. Chính vì ý nghĩa này, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động, nhân rộng nhiều mô hình, đặc biệt là cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, "hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo" tới 100% các cấp Hội trên địa bàn nhằm góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Việc vận động, tuyên truyền được các chi hội trưởng kết hợp trong các cuộc họp thôn, làng hay các ngày lễ hội, nơi tập trung đông người. Các chị luôn đi đầu trong các phong trào, làm gương cho chị em trong chi hội học tập, noi theo. Đến nay, toàn tỉnh Gia Lai có gần 150.000 hộ đạt các tiêu chí Cuộc vận động “Gia đình 5 không, 3 sạch”. Phong trào giúp gắn kết tình cảm giữa hội viên, giúp nhau phát triển kinh tế, thay đổi cách nghĩ, nếp làm trong sản xuất để vươn lên thoát nghèo.
Chị Văn Thị Đỡ (sinh năm 1962, thôn Hiệp Phú, xã Cư An, huyện Đăk Pơ) có hoàn cảnh khó khăn, lại bị bệnh hiểm nghèo và sống nhờ vào việc trồng rau lagim. Đến mùa thu hoạch, chị không hái kịp bán, rau, quả sẽ già. Chị em trong chi hội đã thường xuyên đến bó rau giúp chị đi bán kiếm tiền sinh hoạt, thuốc thang. Ngoài ra, mỗi khi chị Văn Thị Đỡ bị bệnh nặng, chị em trong chi hội thường tận tình chăm sóc, hỗ trợ việc nhà để yên tâm điều trị bệnh.
Để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai đã tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức về tổ chức cuộc sống gia đình hạnh phúc; phát huy vai trò nòng cốt của phụ nữ trong xây dựng thôn, làng giàu đẹp, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là đối tượng phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trong 5 năm qua, các cấp Hội giúp đỡ gần 6.000 phụ nữ làm chủ hộ biết cách chuyển đổi cây trồng vật nuôi, làm ăn chính đáng. Đến nay, gần 4.000 phụ nữ đã thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều.
Ngoài các nguồn vốn vận động, đồng hành cùng chị em, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ hơn 53.000 chị em vay hơn 2.000 tỉ đồng vốn để khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025.
Gần 130 Câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5 - 10 triệu đồng” với số tiền vận động được hơn 4 tỉ đồng là giải pháp thực tiễn hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa tích lũy nguồn vốn, hạn chế tình trạng vay tín dụng đen, giúp chị em từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Các cấp Hội phối hợp tuyên truyền, tư vấn nghề cho hơn 78.000 lượt hội viên, phụ nữ thông qua các buổi sinh hoạt Hội; giới thiệu việc làm cho hơn 1.000 lao động nữ; mở hơn 200 lớp dạy nghề ngắn hạn cho gần 50.000 lao động nữ nông thôn.
Chị Đinh Thị Phai (làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê) cho biết: Từ khi được các chị em trong chi hội dạy dệt thổ cẩm, càng ngày tay nghề chị càng tốt hơn. Ngoài việc tăng thu nhập cho các hộ tham gia, dệt thổ cẩm còn góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Bahnar của bà con dân làng. Chính vì thế, làng chị phụ nữ đều biết dệt vải.
Với đặc thù là một tỉnh đông người dân tộc thiểu số, chiếm gần 50% dân số của tỉnh, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai đã tích cực tham gia xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số. Các cấp hội tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức tham gia xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số.
5 năm qua (2016-2020), các cấp Hội đã vận động hơn 1.500 hội viên, phụ nữ hiến hơn 26.000 m2 đất để xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng; đào hơn 61.000 hố rác trong vườn nhà. Hội viên phụ nữ đã di dời gần 27.000 chuồng trại ra phía sau nhà; đặt hơn 500 sọt rác, thùng rác tại các nơi công cộng; xây dựng trên 12.417 nhà tiêu hợp vệ sinh.
Ngoài ra, để đường làng ngõ xóm luôn xanh, sạch, đẹp, các chi hội đã xây dựng hơn 100 km “hàng rào xanh”, 75 km “con đường hoa”; vận động người dân hiến hơn 22.000 m đất để sửa chữa đường giao thông với tổng chiều dài trên 132 km. Gần 14.000 hộ dân tộc thiểu số đã tham gia mô hình “Mỗi hộ có một vườn rau xanh và cây ăn trái”...
Qua nhiều hoạt động, mô hình hiệu quả, phụ nữ tỉnh Gia Lai đã góp sức, chung tay cùng chính quyền xây dựng nếp sống văn minh, nâng cao chất lượng cuộc sống từ mỗi gia đình. Diện mạo nông thôn mới của Gia Lai khởi sắc từng ngày, trong đó có đóng góp không nhỏ của cán bộ, hội viên phụ nữ địa phương.
Hồng Điệp