Theo giá trị trên thị trường, mỗi cây sâm có độ tuổi 1-2 năm, bán ra cũng được từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/cây… Với giá trị của Sâm Ngọc Linh, chị em thôn 3, xã Trà Linh hiện đã có nguồn quỹ khá lớn để hoạt động, sinh hoạt mỗi dịp lễ, Tết. Đồng thời, nguồn thu này giúp chi hội có nguồn kinh phí để thăm hỏi động viên hội viên lúc ốm đau, cũng như khi gia đình có công việc.
Chị Hồ Thị Ghi, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, cho biết: Những năm trước, phụ nữ Trà Linh rất vất vả, nhưng hiện nay các hội viên đã có cuộc sống khá hơn. Toàn xã Trà Linh có 677 hộ, với hơn 2.870 nhân khẩu, trong đó 577 hộ trồng Sâm Ngọc Linh. Nhà trồng ít cũng vài ba trăm gốc, nhà trồng nhiều lên tới hàng ha. Với giá trị của Sâm Ngọc Linh, giờ đây các hộ trồng sâm của xã Trà Linh đã trở thành "tỷ phú" trên đỉnh núi Ngọc Linh. Do đó, các hội viên phụ nữ giờ đây tập trung lên núi chăm sóc cây sâm, hạn chế việc phát rẫy làm nương kiếm từng bữa ăn như trước kia.
Theo chị Hồ Thị Ghi, công tác tuyên truyền, vận động chị em tham gia chi hội rất khó khăn, do chị em thường dành nhiều thời gian ở trên núi trồng sâm. Ngoài ra, kiến thức, phong tục, tập quán của đồng bào Xê Đăng chỉ biết bám rừng, sống nhờ rừng nên rất khó để vận động. Khi đã vận động được chị em tham gia, việc thành lập các chi hội phụ nữ tại các thôn cũng rất khó khăn vì không có kinh phí để hoạt động.
Do đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã vận động hội viên phụ nữ mỗi người góp từ 1- 2 gốc sâm 2 năm tuổi trở lên, đưa lên núi trồng, mỗi dịp 8/3 hay 20/10 đem bán lấy kinh phí sinh hoạt. Nhờ đó, toàn xã Trà Linh có 4 thôn, hiện nay chị em ở 2 thôn (thôn 2 và 3) đã tham gia góp cây sâm làm quỹ Hội.
Những cách làm hay của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trà Linh thời gian qua đã giúp phụ nữ trong xã thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi cuộc sống. Vai trò của người phụ nữ trong gia đình được nâng lên, các chị đã điều kiện hơn để lo toan cho gia đình và chăm sóc con cái.
Trần Tĩnh