Hà Tĩnh vừa trải qua hai đợt lũ lụt mà theo nhiều người dân các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, thành phố Hà Tĩnh là chưa từng có trong lịch sử. Cùng với các lực lượng khác, những cán bộ cơ sở từ thôn đến xã nhiều ngày liền đã dầm mình trong mưa lũ để giúp đỡ nhân dân vượt qua cơn hoạn nạn.
Từ ngày 18/10, Hà Tĩnh ghi nhận lượng mưa rất lớn dồn dập, cùng với việc các hồ chứa trên địa bàn xả tràn điều tiết khiến nước lũ dâng nhanh gây ra tình trạng ngập lụt cho các địa phương, nhất là vùng hạ du các hồ đập lớn. Thời điểm cao nhất đã có 118 xã, phường, thị trấn với 41.252 hộ/147.136 người của 11 huyện, thành phố bị ngập lụt. Các địa phương ngập lụt nặng nhất là huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh.
Dù đã chủ động trong việc kê cao tài sản, nhưng do nước lũ lên quá nhanh, nhiều nơi đã vượt mốc đỉnh lũ lịch sử nên người dân không kịp trở tay. Nhớ lại thời điểm ấy, vợ chồng ông Trần Văn Bình và bà Phạm Thị Châu đều đã ngoài 70 tuổi, trú tại thôn Tam Trung, xã Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn chưa hết bàng hoàng. Hai ông bà có 4 người con đều đã đi làm ăn xa, dù đã chủ động kê một số tài sản lên cao, nhưng do nước lũ dâng nhanh quá nên đành bỏ mặc nhà cửa, theo thuyền cứu trợ của cán bộ xã đến các điểm sơ tán.
Bà Phạm Thị Châu chia sẻ: “Lúc đó không suy nghĩ được gì, còn người là còn của thôi, nước lên nhanh và cao quá, may là có các lực lượng chức năng kịp thời đón chúng tôi lên thuyền đến các điểm sơ tán. Vợ chồng tôi ở điểm sơ tán Ký túc xá Trường Đại học Hà Tĩnh tính ra 2 đợt rồi. Ở đây, cơm nước 3 bữa đều được cán bộ xã tiếp tế đầy đủ, chúng tôi cũng yên tâm hơn”.
Người dân vùng lũ Cẩm Vịnh vẫn còn nhắc mãi hình ảnh chị Trần Thị Thành, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cẩm Vịnh, suốt những ngày mưa lũ đã bỏ lại nhà cửa, tài sản của gia đình để lo công tác hậu cần, tiếp tế lương thực cho người dân tại các điểm sơ tán. Chồng mất sớm, cả ba người con đều đã đi làm ăn xa, trong đợt ngập lụt đầu tiên, nhà chị Thành ngập hơn 2 mét. Suốt mấy ngày liền tham gia công tác cứu trợ, đến khi trở về nhà, nhìn thấy mọi đồ đạc lấm lem bùn đất vì ngâm trong biển nước, xót xa lắm nhưng chị đành để đó rồi lại tiếp tục với công việc.
Chị Thành chia sẻ: Sau khi nước rút, lại bận rộn với công việc vệ sinh môi trường, thống kê thiệt hại sau lũ và tiếp đón, phân bổ hàng cứu trợ. Chưa xong công việc ở đợt lũ thứ nhất, đợt lũ thứ hai lại đến, chị Thành lại tất bật với việc sơ tán dân. Vất vả là vậy nhưng với chị, giúp được dân là niềm vui, mệt mỏi mấy cũng hết”.
Trở lại xã Tân Lâm Hương (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) sau một tuần khi cơn lũ đi qua, câu chuyện về ông Chủ tịch xã suốt mấy ngày liền không về nhà, phải lấy quần áo cứu trợ để mặc hay anh xã đội trưởng, công an viên, anh trưởng thôn dầm mình trên thuyền suốt mấy ngày liền đi cứu trợ được người dân nơi đây chia sẻ khi nói về các cán bộ cơ sở.
Ông Nguyễn Văn Ninh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Lâm Hương cho biết: “Trong đợt lũ vừa qua, địa phương phân công cán bộ ứng trực 100%, trừ các đồng chí có con nhỏ hoặc điều kiện bất khả kháng. Ngay khi nước lũ vừa lên, xã chủ động mua nhu yếu phẩm dự trữ gồm: 1.000 thùng mì tôm, 3 tấn gạo để kịp thời cung cấp cho các điểm sơ tán và phân phát cho người dân ở những điểm ngập lụt không thể đi mua nhu yếu phẩm”.
Trong lũ, đội ngũ cán bộ từ thôn đến xã ở Tân Lâm Hương đã bám sát địa bàn, thường xuyên nắm tình hình, kịp thời di dời người dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Đặc biệt, đội thuyền 18 người do anh Phạm Đình Hòa, trưởng thôn Sơn Trình trong hai ngày nước lũ lên đã len lỏi khắp mọi ngóc ngách, chở người dân đi sơ tán. Những ngày tiếp theo, họ vẫn miệt mài chèo những chiếc thuyền nhỏ đi nhận hàng cứu trợ rồi lại di chuyển đi phân phát cho từng nhà.
Người dân xã Tân Lâm Hương không thể quên hình ảnh những cán bộ công an xã hay xã đội trưởng miệt mài trong dòng nước lũ, cứu trợ nhân dân mà không có thời gian để lo cho gia đình mình.
Anh Đặng Hồng Quân, sinh năm 1990, là Chỉ huy trưởng quân sự của xã Tân Lâm Hương chia sẻ: “Trước khi nước lũ lên, tôi chỉ kịp kê dọn một số đồ đạc lên rồi vội vàng chở vợ con về nhà ngoại gửi và tham gia ngay công tác ứng cứu trong suốt 5 ngày, đêm liền. Nước rút, trở về nhà thấy mọi đồ đạc hư hỏng hết mà không khỏi xót xa…”.
Lũ lụt đi qua, đội ngũ cán bộ cơ sở tại Hà Tĩnh lại bắt tay vào công cuộc khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân sau lũ. Dù ở thời điểm nào, họ cũng thực sự xứng đáng là tấm gương tốt “những người đầy tớ trung thành của nhân dân” như lời Bác Hồ đã căn dặn.
Hoàng Ngà