Xưởng sản xuất đồ gỗ của anh Phạm Châu. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN |
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Phạm Văn Châu, Bí thư Chi đoàn thôn Thanh Sơn, xã Thúy Sơn chỉ học hết lớp 12. Sau khi tốt nghiệp, Phạm Văn Châu đi làm thuê khắp nơi. Năm 2014, anh về quê lập nghiệp với số vốn 10 triệu đồng. Phạm Văn Châu đã vay mượn thêm của người thân và vay ngân hàng để mở trang trại tổng hợp trồng trọt, chăn nuôi kết hợp trồng rừng.
Khi mới mở trang trại, Châu gặp nhiều khó khăn. Sau đó, được bạn bè, người thân giúp đỡ, anh Châu đã mua dê, bò về nuôi; trồng các loại cây ăn quả như mít, táo cùng các loại cây lâm nghiệp như keo, lát. Phạm Văn Châu còn vay 300 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp để mở rộng sản xuất. Đến nay, trang trại của Châu đã được mở rộng lên 12 ha. Hiện trang trại của Phạm Văn Châu nuôi 125 con dê, 17 con bò cùng 7 ha cây keo, mía. Mỗi năm, anh Châu thu nhập bình quân 500 triệu đồng từ trang trại. Trang trại của anh còn tạo việc làm cho 10 lao động với mức lương 3-4 triệu/người/tháng.
Năm 2017, Phạm Văn Châu đại diện cho hàng trăm thanh niên trong huyện đi dự cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp do Tỉnh đoàn Thanh Hóa tổ chức và đoạt giải Ba của cuộc thi với nội dung Mô hình trang trại tổng hợp.
Cũng là một thanh niên dám nghĩ dám làm, anh Phạm Châu (sinh năm 1989), Bí thư Chi đoàn thôn Mỏ, xã Mỹ Tân, huyện Ngọc Lặc sau khi học xong Trung học Phổ thông đã quyết định đi học nghề làm đồ gỗ để khởi nghiệp ngay tại quê hương. Anh đã vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội để mua máy móc, mở xưởng gỗ nhỏ ngay tại nhà. Năm 2017, Tỉnh Đoàn Thanh Hóa tạo điều kiện cho vay 150 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp để đầu tư, mở rộng sản xuất. Đến nay, Phạm Châu đã có 3 xưởng chuyên sản xuất đồ gỗ, cho thu nhập bình quân khoảng 200 triệu/năm. Các xưởng gỗ của gia đình tạo việc làm cho 11 lao động địa phương với mức lương 3 - 4 triệu/người/tháng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, là Bí thư Chi đoàn anh Phạm Châu rất tích cực tham gia Câu lạc bộ Thanh niên phát triển kinh tế của huyện Ngọc Lặc; tạo điều kiện, giới thiệu, hướng dẫn đoàn viên thanh niên các mô hình phát triển kinh tế phù hợp.
Anh Phạm Văn Châu chăm sóc đàn dê. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Theo anh Lê Mạnh Dũng, Phó Bí thư Huyện Đoàn Ngọc Lặc, Huyện Đoàn đã tổ chức nhiều buổi tư vấn, hướng nghiệp cho đoàn viên, thanh niên, giới thiệu trên 500 thanh niên tham gia học nghề ngắn hạn; tư vấn khởi nghiệp cho 200 thanh niên. Năm 2017, huyện Ngọc Lặc có 3 thanh niên được vay vốn khởi nghiệp của Tỉnh Đoàn; 630 hộ thanh niên làm chủ được vay vốn của ngân hàng chính sách...
Thời gian tới, Huyện Đoàn Ngọc Lặc tiếp tục mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách; từ đó tiếp tục phát triển các mô hình thanh niên khởi nghiệp.
Không chỉ có huyện Ngọc Lặc, các huyện miền núi khác ở tỉnh Thanh Hóa như Quan Sơn, Mường Lát, Quan Hóa, Thường Xuân cũng xuất hiện nhiều tấm gương Bí thư Chi đoàn tiên phong khởi nghiệp. Anh Lê Văn Trung, Bí thư Tỉnh Đoàn Thanh Hóa cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 7.000 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã tham mưu lãnh đạo tỉnh ban hành chương trình tín dụng ưu đãi cho thanh niên khởi nghiệp với nguồn vốn ban đầu từ ngân sách tỉnh là 10 tỉ đồng.
Năm 2017, Tỉnh Đoàn Thanh Hóa đã giải ngân được 6 tỉ đồng hỗ trợ hơn 50 mô hình thanh niên khởi nghiệp. Đến nay, Tỉnh Đoàn Thanh Hóa đã chỉ đạo thực hiện được 100 mô hình bí thư chi đoàn tiên phong khởi nghiệp. Năm 2018, Tỉnh Đoàn tiếp tục vận động, hướng dẫn các thanh niên khởi nghiệp, đặc biệt là thanh niên ở khu vực miền núi khó khăn.
Nguyễn Nam