Nhộn nhịp chợ mốc 53.

Nhộn nhịp chợ mốc 53.
Khách mua hàng tại chợ mốc 53, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh)
Khách mua hàng tại chợ mốc 53, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh)
Ngày cuối tuần, chúng tôi hòa cùng dòng khách du lịch theo con đường nhỏ đến mốc 835. Gọi là chợ nhưng thực chất nơi đây chỉ có hơn 100 gian hàng quây tụ trên một khoảng đất rộng vài trăm mét vuông. Các gian hàng là những tấm gỗ đơn sơ ghép lại với nhau, trên phủ nilon bày hàng hóa. Hàng hoá ở đây khá phong phú, phù hợp nhu cầu mua sắm của khách du lịch, như: Thuốc lá, nước giải khát, bánh kẹo, cà phê, bánh đậu xanh, mỹ phẩm, đồ mỹ nghệ, cây dược liệu, đồ lưu niệm... Chị Tới, xóm Cô Muông, xã Đàm Thủy cho biết: Không biết chợ có từ khi nào, chỉ biết chợ được hình thành đáp ứng nhu cầu thực tế qua lại để trao đổi hàng hóa, sản vật địa phương giữa cư dân hai vùng sát biên giới. Chợ không có tên, nhưng do địa điểm họp tại cột mốc 53 cũ nên người ta thường gọi nôm na là chợ cột mốc, chợ đường biên, hay chợ mốc 53. 

Gần trưa, chợ tấp nập, ồn ào kẻ mua, người bán. Chủ những sạp hàng đon đả chào mời khách bằng nụ cười rạng rỡ, giọng nói ngọt ngào bằng tiếng Trung Quốc, khiến cho người lần đầu đến chợ ngỡ các tiểu thương trong chợ đều là người bên kia biên giới. Hỏi ra mới biết, do chợ họp ngay sát cột mốc quốc giới, lại nằm ngay trên đỉnh thác Bản Giốc, đối tượng phục vụ ngoài dân hai bên biên giới, còn có khách du lịch đến tham quan, phần đông là khách Trung Quốc, nên tiểu thương trong chợ đều tự học tiếng Trung để giới thiệu sản phẩm, báo giá, bán hàng cho người Trung Quốc. Thực tế, bán hàng tại đây chủ yếu là bà con dân tộc Tày, Nùng sống ở xóm Cô Muông, xã Đàm Thủy. Những năm gần đây, ngoài làm ruộng, một số gia đình ở Đàm Thủy còn làm dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan của khách khi đến thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc. Riêng đối với xóm Cô Muông, hầu như các gia đình đều có người ra bán hàng tại chợ mốc 53. Chị Thời, xóm Cô Muông, xã Đàm Thủy vui vẻ giới thiệu: Chúng tôi nhập hàng chủ yếu từ các tỉnh dưới xuôi; khách mua đa phần là người dân từ Trung Quốc sang. Khách người Việt chủ yếu đi xem và ngắm chợ. Những du khách Trung Quốc tới đây không chỉ tham quan cột mốc 835 phân định biên giới giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc mà còn mua thuốc lá, rượu “Lúa mới”, nước hoa của Việt Nam về làm quà. Tại chợ cột mốc này, khách có thể mua hàng bằng tiền Việt và Nhân dân tệ (tiền Trung Quốc). 

Vào sâu trong chợ vài chục mét, cột mốc quốc giới 835 được khắc bằng hai ngôn ngữ Việt Nam và Trung Quốc trông bề thế; ngay cạnh đó là cột mốc quốc giới 53 cũ được hai nước Việt Nam - Trung Quốc thống nhất giữ lại trên thực địa để bảo tồn thành di tích lịch sử. Bên 2 cột mốc quốc giới, du khách thích thú xếp hàng, chờ đến lượt chụp ảnh lưu niệm, khiến khu vực chợ càng thêm nhộn nhịp, đông vui. Chợ phía Trung Quốc, các gian hàng gọn gàng, quy củ, chủ yếu bán đồ lưu niệm nhưng giá khá đắt. Một cán bộ Đồn Biên phòng Đàm Thủy đi cùng giải thích: Đây chính là nét đặc trưng của chợ mốc 53 khi cùng một lúc tồn tại hai chợ đối diện, một bên họp chợ trên lãnh thổ Việt Nam và một bên họp trên lãnh thổ Trung Quốc, ở giữa là cột mốc quốc giới 835. Đến chợ, mọi người thoải mái mua sắm cả chợ phía Trung Quốc và Việt Nam mà không cần bất cứ thủ tục hành chính nào.

Chợ mốc 53 được họp vào các ngày trong tuần. Nhân dân các dân tộc ở đây lấy khu vực này là nơi trao đổi buôn bán, vừa là nơi giao lưu văn hóa. Từ khi hình thành cặp chợ này, các hoạt động thương mại diễn ra sôi động. Theo cán bộ Đồn Biên phòng Đàm Thủy, trung bình mỗi tuần phía Việt Nam có trên 1.000 khách du lịch, cao điểm có tuần 4.000 khách, phía Trung Quốc bình thường khoảng trên 4.000 khách, cao điểm có tuần lên đến 22.000 người đến tham quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc). Đa phần khách du lịch sau khi chiêm ngưỡng thác Bản Giốc - Đức Thiên đều ghé thăm chợ mốc 53, vừa để mua đồ lưu niệm, vừa để chụp hình lưu niệm bên cột mốc quốc giới cũ và cột mốc quốc giới mới nằm cạnh nhau ngay trên đường biên giới. Khách du lịch đông ở cả hai bên biên giới, vì thế nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Đàm Thủy càng nặng nề hơn, nhất là ở khu vực chợ mốc 53. Để bảo đảm an toàn, an ninh trật tự cho khách du lịch có thể thoải mái đi lại, mua sắm ở khu vực này, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Đàm Thủy phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền 3 văn kiện về pháp lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, giữ gìn vệ sinh, không bán hàng cấm, kịp thời thông báo với lực lượng bảo vệ biên giới những vấn đề phát sinh...

Bao thế hệ qua, bà con xóm Cô Muông nói riêng và xã Đàm Thủy nói chung cùng các lực lượng bảo vệ biên giới, canh giữ mốc giới, nay lại buôn bán, làm ăn ngay sát biên, vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa tiếp tục bám đất, bám làng bảo vệ biên cương. Người bán hàng tại đây hằng tháng đóng góp cho xã 60.000 đồng để thực hiện công tác quản lý và vệ sinh chợ; nhờ hoạt động buôn bán, thu nhập của bà con cũng khá hơn, đời sống được cải thiện. 

Chúng tôi rời chợ mốc 53 khi trời đã về chiều, bà con vội vã thu dọn đồ về nhà, ánh mắt sáng niềm vui vì khách khá đông, hàng bán được khá nhiều. Thầm cảm ơn họ - những “cột mốc” đứng gác nơi biên giới, góp phần gìn giữ sự bình yên cho Tổ quốc. Tuy nhiên, giá như hàng hóa ở đây phong phú hơn, có nhiều sản phẩm truyền thống từ đôi bàn tay khéo léo của bà con dân tộc Tày, Nùng địa phương, những sản phẩm lưu niệm về thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc hay sản phẩm văn hóa dân tộc, hẳn chợ sẽ hấp dẫn hơn, góp phần quảng bá rộng rãi hơn đến du khách bốn phương về nước non Cao Bằng.
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm