Người tiêu dùng sử dụng Smartphone truy xuất nguồn gốc xứ sản phẩm nho. Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Theo Chủ tịch Hiệp hội Nho và Táo tỉnh Ninh Thuận Phạm Châu Hoành, để được cấp và sử dụng “Tem điện tử thông minh” truy xuất nguồn gốc sản phẩm nho, các nông hộ trồng nho và các cơ sở chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ nho phải liên kết chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm. Từ đó, các thông tin này được cơ quan chuyên môn thẩm định và đăng tải dữ liệu công khai lên internet để truy xuất nguồn gốc bằng phần mềm, giúp người tiêu dùng yên tâm khi chọn mua các sản phẩm nho của địa phương. Tại cơ sở sản xuất và chế biến nho Ba Mọi (ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước), nhiều du khách tham quan vườn nho cũng như các chủ cơ sở thu mua sản phẩm để chế biến cảm thấy yên tâm khi sản phẩm nho của cơ sở này được cấp, dán “tem điện tử thông minh”. Qua đó tạo lòng tin cho tiêu dùng khi nói đến sản phẩm nho có xuất xứ từ cơ sở.
Ông Nguyễn Văn Mọi - chủ cơ sở sản xuất và chế biến nho Ba Mọi chăm sóc nho trồng theo tiêu chuẩn VietGap, được dán tem điện tử sau thu hoạch. Ảnh: Công Thử - |
Ông Nguyễn Văn Mọi, chủ cơ sở sản xuất và chế biến nho Ba Mọi cho biết, muốn dán tem điện tử cho sản phẩm thì phải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Qua thời gian cơ sở áp dụng tiêu chuẩn VietGap vào sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, ngoài uy tín thương hiệu nho Ba Mọi đã có, nay sản phẩm nho do cơ sở sản xuất và chế biến giờ đã được dán tem điện tử, giúp người tiêu dùng an tâm hơn khi sử dụng sản phẩm nho của cơ sở. Chỉ với 1 chiếc điện thoại Smartphone và vài thao tác đơn giản, người tiêu dùng đã có thể chiếu rọi vào tem điện tử được dán lên sản phẩm, qua đó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm với đầy đủ các thông số chi tiết trùng khớp với hình ảnh quảng bá về sản phẩm, chất lượng sản phẩm của cơ sở sản xuất. Theo ông Nguyễn Hoàng Hiếu, du khách đến từ tỉnh Khánh Hòa, với những sản phẩm được dán mã điện tử để truy xuất nguồn gốc nhanh thì người tiêu dùng rất yên tâm. Bởi vì có thể truy xuất được đầy đủ các thông tin về nguồn gốc, độ an toàn của sản phẩm trước khi mua sử dụng.
Kiểm tra tem điện tử được dán lên sản phẩm nho sau chế biến. Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Việc ứng dụng công nghệ quét mã QR truy xuất nguồn gốc không những góp phần bảo vệ người tiêu dùng, mà còn giúp quảng bá, khẳng định thương hiệu nho Ninh Thuận đến với người tiêu dùng, đến thị trường trong và ngoài nước nước bằng hình ảnh thực tế trực quang, được hiển thị khi truy cập vào phần mềm. Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh, để sản phẩm đặc thù của địa phương khẳng định thương hiệu trên thị trường, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung hỗ trợ, khuyến khích nông hộ và doanh nghiệp cùng liên kết sản xuất theo chuỗi, tạo ra sản phẩm nho an toàn, đảm bảo chất lượng. Qua đó để tiếp tục nâng cao giá trị nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay Ninh Thuận có gần 1.250 ha diện tích trồng nho, tập trung nhiều nhất ở các địa phương của huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Ninh Hải và Thuận Nam. Trong năm 2018, sản lượng nho đạt hơn 28.000 tấn, tăng 10,2% so với năm 2017.
Công Thử