Phòng học vách nứa tại điểm trường lẻ thôn Đô Sơn, xã Thạch Lập của trường tiểu học Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc, đã hỏng. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Nằm ở vùng đặc biệt khó khăn, trường Tiểu học Thạch Lập 2, xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc được xem là ngôi trường khó khăn nhất về cơ sở vật chất của huyện. Hiện trường có 11 lớp học với 230 học sinh, trong đó trường có 1 điểm chính tại trung tâm xã và 4 điểm lẻ tại các thôn Quàng Đỏ, Đô Sơn.
Để đến được các lớp học ở điểm trường lẻ, các thầy cô giáo và học sinh phải vượt sông, suối và những con dốc thẳng đứng, trời mưa đường lầy lội rất khó đi. Vào hôm có mưa lũ, nước dâng lên cao, giáo viên, học sinh không thể đến trường, nhiều thầy, cô phải ở lại điểm trường lẻ do nước lũ lên cao.
Điểm trường lẻ thuộc trường tiểu học Thúy Sơn 2, huyện Ngọc Lặc đã bị xuống cấp. Ảnh: TTXVN phát |
Thầy Nguyễn Văn Huynh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thạch Lập cho biết, điểm lẻ của trường ở thôn Đô Sơn, từ trung tâm xã đến điểm trường này dài 6 km, tại đây sóng điện thoại không có nên muốn liên hệ với giáo viên nhà trường phải cử người lên tận nơi để thông báo thông tin, lịch học rất vất vả.
Hiện điểm trường ở thôn Đô Sơn có 2 lớp học, các em học sinh ở điểm trường này đa số là người dân tộc thiểu số. Tại điểm trường, cơ sở vật chất đã xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa, phòng chờ cho giáo viên không có; thiết bị dạy học, máy chiếu còn thiếu, nhà vệ sinh xập xệ, phòng học lợp bằng mái tôn, có chỗ đã bị thủng. Ban Giám hiệu nhà trường đã kiến nghị lên xã, huyện và đang tập trung sửa chữa để chuẩn bị khai giảng năm học mới.
Mái tôn tại điểm trường lẻ thôn Đô Sơn, xã Thạch Lập của trường tiểu học Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc, đã hỏng. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Thầy Nguyễn Văn Bình, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thúy Sơn 2 cho biết: Do địa hình đồi núi phức tạp, dân cư thưa thớt nên học sinh phải đi 5 km để đến điểm trường chính. Hiện toàn trường có 10 lớp học với 217 học sinh tại 1 điểm trường chính và 1 trường điểm lẻ, tại điểm lẻ có 4 phòng học, bàn ghế được mua từ năm 2002 đến nay đã sắp hỏng, phòng học cũng xuống cấp.
Do không có kinh phí để sửa chữa và xây mới, nên điểm trường lẻ đang thiếu phòng học, phải dùng phòng chờ giáo viên làm phòng học. Nhà vệ sinh tạm bợ, đường đi tới điểm trường khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão. Nhà trường đã kiến nghị lên huyện để được cấp kinh phí tu sửa trong năm học mới nhằm đảm bảo tốt việc dạy và học của giáo viên và học sinh nhà trường.
Nhà vệ sinh tạm bợ tại điểm trường lẻ thuộc trường tiểu học Thúy Sơn 2, huyện Ngọc Lặc, đã hỏng. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Theo ông Phạm Tuấn Quảng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Lặc, toàn huyện có 78 trường với 1.064 lớp học. Không như các địa bàn miền xuôi, các trường học miền núi đang gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở vật chất, giao thông không thuận tiện. Tại các thôn Mui, Xuân Lai, Tân Lập, xã Phùng Minh, nơi có đoạn sông Âm chia cắt các làng, học sinh muốn đến trường phải đi bè mảng qua sông. Khi có mưa lũ, nhiều học sinh trường Trung học cơ sở Phùng Minh không thể đến trường vì nước lũ dâng cao.
Để khắc phục tình trạng này, chuẩn bị khai giảng năm học mới 2018-2019, huyện Ngọc Lặc đã chỉ đạo các trường rà soát cơ sở vật chất tại các điểm trường lẻ thuộc các trường Tiểu học Thúy Sơn 2, Vân Am 1, Vân Am 2, Phùng Minh, Phùng Giáo; từ đó, kiến nghị lên cấp trên để sớm có kinh phí sửa chữa hoặc xây mới các công trình trường, lớp học.
Nhà tắm rửa tạm bợ tại điểm trường lẻ thuộc trường tiểu học Thúy Sơn 2, huyện Ngọc Lặc, đã hỏng. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Đối với một số trường còn khó khăn, huyện Ngọc Lặc đã và đang hoàn thiện xây dựng 17 công trình phòng học, nhà hiệu bộ trường học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tại các xã đặc biệt khó khăn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh có môi trường học tập tốt. Đồng thời, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các trường thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, quản lý sử dụng hiệu quả các công trình nước sạch, đến nay công tác chuẩn bị cho khai giảng năm học mới đã hoàn thiện, học sinh có thể tới trường học tập.
Được biết, ngoài huyện Ngọc Lặc, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn nhiều trường học khác thuộc các huyện Quan Hóa, Mường Lát, Quan Sơn, Lang Chánh đang gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Vì vậy, để chuẩn bị cho năm học mới 2018-2019, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các trường rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có để lên kế hoạch xây mới, sửa chữa, nhất các công trình phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch, nhà ăn, phòng ở cho học sinh nội trú, bán trú và chú trọng các vùng khó khăn, biên giới.
Cùng với đó, trong năm học 2018-2019 tỉnh Thanh Hóa đã xây mới 347 phòng học từ nguồn vốn Chương trình kiên cố hóa trường lớp học, vốn trái phiếu Chính phủ. Tỉnh thực hiện đầu tư kinh phí mở rộng, nâng cấp 11 nhà ở nội trú và phòng học cho các trường học miền núi, 14 trường trung học phổ thông được đầu tư xây dựng nhà đa năng đạt chuẩn quốc gia; tổng kinh phí thực hiện các công trình là hơn 500 tỷ đồng.
Nguyễn Nam