Trường hợp thứ nhất là một bé trai 5 tuổi, ngụ tại quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, tử vong do bị ngạt thở khi ăn thạch rau câu. Theo bác sỹ Phương, bé trai nói trên dùng miệng để hút miếng thạch rau câu ra khỏi vỏ, nhưng do lực hút quá mạnh, miếng thạch rau câu không rơi vào thực quản mà rơi vào đường thở. Sau khi bé có dấu hiệu khó thở và dần tím tái thì người nhà mới phát hiện, có thực hiện cấp cứu bằng cách vỗ lưng, ấn ngực nhưng không hiệu quả. Khi bệnh nhi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 thì đã tử vong.
Khoảng 17 giờ ngày 01/2/2017, người dượng của bé Y Khương Mlo (trú tại huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk) mang súng cồn tự chế ra sân thử. Thấy bé Y Khương Mlo, người dượng đã chĩa súng vào bé ngắm thử với mục đích dọa đùa bé. Không ngờ, khi bóp cò, một viên đạn bi còn sót lại trong súng đã găm thẳng vào hốc mắt bé Y Khương Mlo. Gia đình vội vã đưa bé đến Bệnh viện tỉnh Đắk Lắk để cấp cứu. Thấy tình trạng nguy hiểm, các bác sỹ tại đây đã chuyển ngay bé lên Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh để điều trị. Trong ảnh: Bác sỹ Trần Châu Thái, Trưởng Đơn vị Mắt, Bệnh viện Nhi đồng 1 thăm khám cho bệnh nhi Y Khương Mlo sau phẫu thuật. Ảnh: Phương Vy-TTXVN.
|
Trường hợp thứ 2 là một bệnh nhi 17 tháng tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh, bị ngạt thở do chúi đầu vào xô nước. Theo lời kể của người nhà, trong lúc người lớn không để ý, em bé đã đi ra sau nhà và nghịch nước trong một chiếc xô. Mặc dù xô chỉ chứa ít nước nhưng khi bé chúi đầu vào xô nước thì bị ngã và ngạt thở. Do phát hiện muộn nên khi đưa đến bệnh viện, bệnh nhi đã bị chết não hoàn toàn. Mặc dù đây không phải là những trường hợp ngạt nước ngay tại nhà và ngạt thở do dị vật xảy ra lần đầu tiên, nhưng theo bác sỹ Phương, nhiều phụ huynh vẫn chủ quan, lơ là với những mối nguy hiểm thường trực trong cuộc sống hàng ngày. “Trẻ dưới 2 tuổi rất thích nghịch nước và chính những xô, chậu, lu chứa ít nước ngay trong nhà mà phụ huynh tưởng là vô hại thường dễ gây tai nạn hơn là những xô, chậu, lu chứa đầy nước”, bác sỹ Phương cảnh báo. Theo bác sỹ Đinh Tấn Phương, hai trường hợp tai nạn thương tích gây tử vong trên một phần là do phát hiện quá muộn, phần còn lại là do phụ huynh vẫn chưa biết cách sơ cấp cứu kịp thời cho trẻ khi xảy ra tai nạn. Đối với trẻ nhỏ, thời gian vàng để cấp cứu các trường hợp ngưng tim, ngưng thở là 4 phút. Quá thời gian trên thì nếu có cứu được tính mạng cũng sẽ để lại di chứng lớn, có thể phải sống đời sống thực vật. Nếu sau 10 phút não không được cung cấp oxy, 100% trẻ sẽ tử vong. Do đó, khi trẻ bị hóc dị vật, phụ huynh cần vỗ lưng, ấn ngực cho trẻ nhằm tăng áp lực đột ngột trong lồng ngực để tống dị vật ra khỏi đường thở. Trường trường hợp trẻ tím tái, ngưng thở cần hà hơi thổi ngạt, kích thích máu lưu thông, cung cấp oxy cho não. Việc thực hiện các động tác hồi sức cho trẻ cần thực hiện liên tục kể cả trên đường đi đến bệnh viện. Song song với quá trình sơ cấp cứu, phụ huynh cần gọi cấp cứu 115 bởi với sự phủ rộng khắp thành phố của hệ thống cấp cứu 115 vệ tinh có thể hỗ trợ phụ huynh cấp cứu đúng cách, kịp thời./.