Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN |
Chương trình PforR dựa trên kết quả lần đầu tiên được áp dụng trên thế giới tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận bền vững và sử dụng hiệu quả dịch vụ cấp nước và vệ sinh ở khu vực nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược Quốc gia về nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020 của Chính phủ Việt Nam. Phát biểu tại Hội nghị, bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc điều hành hoạt động dự án của WB tại Việt Nam đã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện chất lượng nguồn nước, vệ sinh vùng nông thôn. Điều đó được thể hiện qua các chỉ số đạt và vượt so với tiêu chí đề ra khi thực hiện Chương trình PforR. Đại diện Ngân hàng Thế giới khẳng định Hội nghị tổng kết chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng không phải để đóng lại 1 dự án mà sẽ mở ra những chương trình, dự án hợp tác hiệu quả hơn nữa cho người dân nông thôn Việt Nam được thụ hưởng. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: "Sau 5 năm thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Đến nay, nhiều công trình nước sạch, công trình vệ sinh được cải tạo, xây mới; hàng nghìn hộ dân được sử dụng nước sạch; môi trường sống bớt ô nhiễm, sức khỏe cộng đồng được nâng lên. Ở các tỉnh triển khai dự án, nhiều mô hình tốt, cách làm hay được áp dụng, tư duy về xã hội hóa nước sạch, tính kết nối với thị trường trong quản lý vận hành cũng được làm rõ. Từ những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm rút ra từ quá trình thực hiện chương trình, tới đây Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn tại 21 tỉnh". Chương trình PforR được thực hiện tại 240 xã thuộc 8 tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hoá từ năm 2013-2019. Hiện chương trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 62 công trình từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới, cấp nước cho 143 xã với 204.866 đầu nối cấp nước mới đưa vào hoạt động. Đồng thời, thiết lập được 184 xã đạt tiêu chí vệ sinh toàn xã bền vững với 1,4 triệu người được hưởng lợi... Ngoài ra, chương trình đã đạt vượt 100% chỉ tiêu cam kết với tất cả 6 chỉ số đầu ra gồm: số đấu nối nước hoạt động đạt 410.756 đấu nối, tương đương 121% chỉ tiêu kế hoạch 5 năm. Số người hưởng lợi từ công trình cấp nước bền vững đạt 1,08 triệu người, tương đương 128% chỉ tiêu kế hoạch 5 năm. Số người hưởng lợi từ xã vệ sinh toàn xã đạt 1,45 triệu người, tương đương 114% kế hoạch 5 năm. Số xã đạt vệ sinh toàn xã bên vững đạt 184 xã, tương đương 123% kế hoạch 5 năm...
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN |
Kết quả thực hiện các chỉ số đầu ra của các địa phương cho thấy có 6/8 tỉnh gồm Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội và Thanh Hóa có kết quả thực hiện đạt và vượt 100% chỉ tiêu kế hoạch 5 năm đối với cả 6 chỉ số giải ngân. Kết quả thực hiện về nguồn vốn cũng cho thấy với tỷ lệ giải ngân vốn vay đạt 89,3% tổng khoản vay theo Hiệp định, vốn vay của Ngân hàng Thế giới thực hiện Chương trình PforR đã đóng góp 41% tổng ngân sách phân bổ cho lĩnh vực nước sạch và vệ sinh nông thôn tại 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng từ năm 2013-2018. Điều này cũng khẳng định vai trò của Ngân hàng Thế giới trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam dần đạt mục tiêu của Chiến lược quốc gia về cấp nước và vệ sinh nông thôn đến năm 2020. Chương trình PforR với tổng vốn đầu tư là 230,5 triệu USD, được thực hiện theo phương thức giải ngân dựa trên kết quả đầu ra. Đây là phương thức giải ngân mới, lần đầu tiên được áp dụng trên thế giới. Theo phương thức này, kinh phí sẽ được giải ngân cho các địa phương sau khi đã đạt được các chỉ số đầu ra và kết quả cụ thể trong kế hoạch đầu tư xây dựng. Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 7 tập thể, 19 cá nhân có thành tích xuất sắc trong chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn.
Hoa Mai