Công tác cảnh báo, di dân khỏi vùng sạt lở đất được tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, việc di chuyển hàng trăm hộ dân đang gặp không ít khó khăn bởi thiếu nguồn lực và quỹ đất tái định cư.
Sống chung với nguy hiểm
Nằm trong vùng đất yếu, có nguy cơ cao sạt lở đất, hơn 40 hộ dân của thôn Giàn Khế, xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã được chính quyền và ngành chức năng cảnh báo từ nhiều năm nay. Tuy nhiên tới ngày 22/6, mới có 9 hộ di dời do sạt lở đất taluy đã làm đổ sập nhà, hiện vẫn còn hơn 30 hộ đang sống trong khu vực nguy hiểm, chưa di dời đến nơi ở mới an toàn.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Văn Yên Doãn Văn Thủy cho biết, hiện tượng sạt lở đất, đá đang gây khó khăn rất lớn đối với chính quyền địa phương, bởi địa hình phần lớn của huyện là đồi núi dốc trên nền đất yếu, cộng với thói quen sống trên núi cao từ lâu đời của người dân. Mỗi khi mùa mưa đến, người dân thường xuyên đối mặt với nguy hiểm.
Tương tự như địa hình, địa chất của xã Yên Phú, tại xã Châu Quế Hạ (huyện Văn Yên) luôn tiềm ẩn nguy cơ cao sạt lở đất. Trưa 14/6 vừa qua đã xảy ra vụ sạt lở đất đồi khiến một phụ nữ tử vong. Nạn nhân là bà Vũ Thị Lý (sinh 1957), trú ở thôn Khe Pháo, xã Châu Quế Hạ.
Trước đó, ngày 10/6 tại khu vực một xưởng chế biến gỗ ở thôn Đồng Quẻ, xã Minh An, huyện Văn Chấn cũng xảy ra vụ sạt lở đất taluy tương tự, khiến một phụ nữ tử vong. Đáng lưu ý là cả hai vụ tai nạn sạt lở đất đồi xảy ban ngày, rất bất ngờ bởi trong lúc thời tiết bình thường, trời có nắng, không mưa.
Nguyên nhân của hai vụ tai nạn, theo nhận định của đại diện cơ quan chức năng, hiện tượng sạt lở đất bất ngờ do đất bị phong hóa trong trạng thái bão hòa nước, vì trước đó vài ngày đã có mưa to. Thêm vào đó, taluy vách đồi sau nhà của các gia đình nạn nhân được xẻ cao làm mất thế cân bằng ổn định, trực tiếp "kích hoạt" cơ chế chuyển dịch các khối đất, đá dẫn đến hiện tượng sạt lở đất gây sập nhà.
Không chỉ ảnh hưởng đến nhà ở của người dân, hiện tượng sạt lở đất đá còn xảy ra thường xuyên trên các tuyến đường giao thông, gây chia cắt giữa các khu vực dân cư, các địa phương, khó khăn trong quá trình cứu hộ, cứu nạn khi mưa bão. Đặc biệt sạt lở đất xảy ra nhiều hơn đối với những tuyến đường mới làm, có chiều cao taluy dương lớn và địa hình dốc lớn.
Ông Hà Minh Phượng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Phú cho biết, tuyến đường độc đạo vào thôn Giàn Khế, xã Yên Phú vừa được khánh thành đã bị sạt lở chiểu dài hơn 30 mét, phía sạt lở taluy âm dựng đứng cao trên 20 mét từ mặt đường xuống đến mặt nước suối Thia rất nguy hiểm. Chính quyền xã báo cáo xin được xử lý đã 3 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa được sửa chữa, gia cố. Mặc dù đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra nhưng hàng ngày người dân vẫn phải chấp nhận nguy hiểm để qua đây.
Thiếu nguồn lực và quỹ đất tái định cư
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, trên địa bàn toàn tỉnh có 7.181 hộ đang sống ở vùng nguy cơ thiên tai nguy hiểm, trong đó gần 4.500 hộ sống trong vùng nguy cơ sạt lở đất, sạt lở taluy - loại hình thiên tai khó đoán định, xảy ra bất ngờ, thường gây thiệt hại lớn về người, tài sản. Nguy cơ sạt lở đất, sạt lở taluy trong mùa mưa bão đang là thách thức lớn đối với chính quyền các cấp của tỉnh Yên Bái.
Ông Trần Anh Văn, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái cho biết, để bố trí đất cho việc di dời dân cư, tỉnh cần một nguồn đầu tư lớn, trong khi quỹ đất hạn hẹp, nhu cầu di chuyển của người dân lớn. Tỉnh đã có phương án cho từng địa phương. Tuy nhiên, việc thực thi cần phải từng bước, phù hợp với nguồn kinh phí và quỹ đất tái định cư.
Thực tế ở Yên Bái cho thấy, tại nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở cao, mỗi khi mùa mưa bão đến, chính quyền địa phương chỉ biết cảnh báo và tạm thời cưỡng chế bắt buộc đưa người đi tránh xa khu vực nguy hiểm mà không có đủ nguồn kinh phí, quỹ đất cần thiết để xây dựng khu tái định cư an toàn, ổn định lâu dài.
Gia đình ông Hoàng Văn Bình, là một trong số 30 hộ còn lại nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao, chưa thể di dời được ở thôn Giàn Khế, xã Yên Phú. Ông Bình chia sẻ, biết là nguy hiểm mỗi khi mùa bão tới, nhưng chúng tôi chưa thể di dời vì lý do không có đủ quỹ đất cho tất cả các hộ di dời. Nếu có đất, phần lớn các hộ dân không đủ điều kiện để xây dựng lại nhà cửa như nơi ở hiện tại. Hơn nữa, nơi ở mới chật hẹp, không phù hợp với cuộc sống của người dân nông thôn, điện nước sinh hoạt không thuận lợi, đi lại còn rất khó khăn.
Bí thư Đảng ủy xã Yên Phú Trần Đình Trọng nhận định, có nhiều nguyên nhân khiến việc vận động các hộ dân di dời gặp khó khăn, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do đã hết quỹ đất, không thể bố trí cho các hộ dân tái định cư tại chỗ. Bởi vậy, đã qua mấy mùa mưa nhưng việc di dời chưa thể thực hiện. Trước mắt, xã vận động các hộ gia đình này mỗi khi có mưa to kéo dài phải di dời đến địa điểm đã chọn, an toàn hơn.
Trong khi chờ đợi nguồn lực và quỹ đất tái định cư, theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái các giải pháp trước mắt của tỉnh là: Chú trọng đến công tác dự báo thiên tai; xây dựng sẵn phương án đảm bảo an toàn cho các hộ trong vùng sạt lở; tuyên truyền, cảnh báo cho người dân chủ động ứng phó với thiên tai nói chung và hiện tượng sạt lở đất nói riêng; kiện toàn, phát huy tốt phương trâm 4 tại chỗ khi mưa lũ xảy ra.
Tiến Khánh