Nhiều khó khăn trong tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ở miền núi

Nhiều khó khăn trong tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ở miền núi

Mặc dù đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong lĩnh vực tuyển sinh các lớp văn hóa, liên kết học nghề, có các chế độ hỗ trợ, tuy nhiên, năm học 2023-2024, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn các huyện miền núi Thanh Hóa vẫn không tuyển đủ học viên theo kế hoạch được giao.

Nhiều khó khăn trong tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ở miền núi ảnh 1Năm học 2023 - 2024, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lang Chánh mới tuyển được 44 học viên trong khi chỉ tiêu tuyển sinh là 84 học viên. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Năm học này, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lang Chánh được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa giao chỉ tiêu tuyển sinh 84 học viên; tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, trung tâm mới tuyển được 44 học viên (đạt 50% kế hoạch).

Theo ông Lê Thế Vinh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lang Chánh, để thu hút học viên, trước thềm năm học mới, trung tâm đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp như có ký túc xá miễn phí cho học sinh ở lại, chính sách hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn... Trước mùa tuyển sinh, các thầy cô giáo đến tất cả các trường Trung học Cơ sở trên địa bàn để làm công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh. Sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học Phổ thông công lập, các thầy cô đến tận nhà các em học sinh không trúng tuyển để vận động, thuyết phục các em vào học tại trung tâm, tuy nhiên, kết quả vẫn rất hạn chế…

Nhiều khó khăn trong tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ở miền núi ảnh 2Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lang Chánh (Thanh Hóa). Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Lý giải về nguyên nhân khó khăn trong công tác tuyển sinh ông Vinh cho biết thêm, theo Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, học sinh vùng đặc biệt khó khăn theo học tại các trường Trung học Phổ thông được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương tối thiểu chung; hỗ trợ tiền nhà ở đối với học sinh phải tự túc chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung. Tuy nhiên, chính sách này lại không được áp dụng đối với học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, do vậy hầu hết học sinh nếu không đỗ vào Trung học Phổ thông công lập, các em lựa chọn đi làm hoặc học tại các trường trung cấp nghề.

Cũng trong năm học này, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện huyện Quan Hóa mới tuyển được 10/42 chỉ tiêu Sở Giáo dục và Đào tạo giao.

Nhiều khó khăn trong tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ở miền núi ảnh 3Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quan Hoá (Thanh Hóa). Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Mừng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quan Hóa chia sẻ, tình trạng khó tuyển sinh tại trung tâm đã diễn ra nhiều năm nay. Dù các thầy cô giáo đã rất nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động học sinh, nhưng không có kết quả. Xu hướng học sinh trên địa bàn huyện Quan Hóa sau khi tốt nghiệp Trung học Cơ sở lựa chọn học nghề ngày càng nhiều. Khi xác định học nghề, các em thường muốn lựa chọn các trường trung cấp nghề để học. Học ở các trường trung cấp nghề, học sinh dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn vẫn được hưởng các chính sách hỗ trợ trong khi đó, học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên lại không được hưởng chính sách gì. Cũng từ bất cập này nên càng khó khăn cho trung tâm trong việc thu hút học sinh.

“Cùng với nỗ lực của các thầy cô giáo tại trung tâm trong việc tiếp tục tăng cường vận động học sinh sau tốt nghiệp Trung học Cơ sở, các cấp chính quyền cần phải thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phân luồng học sinh. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Có như vậy mới thu hút được các em học tại các trung tâm này, giúp công tác phân luồng học sinh ở các huyện vùng cao, biên giới đạt hiệu quả…”, ông Nguyễn Văn Mừng kiến nghị.

Thực tế cho thấy, tại các huyện miền xuôi của tỉnh Thanh Hóa nhờ thực hiện tốt việc phân luồng học sinh ngay từ cấp Trung học Cơ sở và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong việc đa dạng hóa các dịch vụ đào tạo nghề, hướng nghiệp, nhiều trung tâm đã tuyển đủ, thậm chí vượt kế hoạch sở giao. Đơn cử tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Triệu Sơn, năm học này, được Sở giao chỉ tiêu tuyển sinh 378 học viên, tuy nhiên đã có hơn 400 hồ sơ xét tuyển.

Nhiều khó khăn trong tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ở miền núi ảnh 4Giờ học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Lang Chánh (Thanh Hóa). Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Ông Lê Hữu Hải, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Triệu Sơn cho biết, ngoài dạy 7 môn văn hóa bắt buộc, trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của học sinh, trung tâm sẽ liên kết để tổ chức dạy nghề song song; đảm bảo tỷ lệ ra nghề của học sinh đạt 100%. Năm học này, nhà trường đã cử bộ phận tư vấn hướng nghiệp đến các lớp 10 để khảo sát nhu cầu học nghề của các em. Theo đó, trung tâm sẽ đưa vào giảng dạy song song giữa văn hóa và các nghề như điện lạnh, điện dân dụng, may công nghiệp, hàn, nấu ăn, chăm sóc sắc đẹp, kế toán, hướng dẫn viên du lịch…

Theo ông Trịnh Văn Tâm, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo và Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, Giáo dục thường xuyên cũng là phần quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, tuy nhiên ở một số huyện miền núi việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề vẫn chưa được quan tâm đúng mức; giáo viên dạy nghề còn thiếu và yếu. Để thu hút học sinh vào học tập, ngành đang đẩy mạnh triển khai Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%...

Để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề theo định hướng của Chính phủ, ngành chức năng cần thực hiện nghiêm việc dự kiến phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường Trung học Phổ thông theo đúng quy định, tạo điều kiện cho các trường nghề có nguồn để tuyển sinh. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền, định hướng cho học sinh và phụ huynh lựa chọn con đường học tập của bản thân, con em mình theo đúng khả năng, sở trường, hạn chế tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”...

Khiếu Tư - Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm