Nhiều điểm sáng trong chuyển đổi số ở Lào Cai

Nhiều điểm sáng trong chuyển đổi số ở Lào Cai

Trong 9 tháng năm 2023, việc thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng với những chỉ số rất ấn tượng. Lào Cai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Địa phương xác định ưu tiên tập trung phát triển hạ tầng số, nền tảng số và coi đây là "cái gốc" của chuyển đổi số.

Nhiều điểm sáng trong chuyển đổi số ở Lào Cai ảnh 1Người dân, doanh nghiệp đến bộ phận một cửa Trung tâm dịch vụ hành chính công tỉnh Lào Cai giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Điểm sáng từ huyện nông thôn mới

Bảo Thắng là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Lào Cai với 20 dân tộc sinh sống trên địa bàn 11 xã và 3 thị trấn. Thành tựu bước đầu trong chuyển đổi số ở Bảo Thắng là minh chứng rõ nét về quyết tâm chính trị, sự chủ động, mạnh dạn với những quyết sách kịp thời của lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở.

Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng Ngô Minh Quế cho biết, địa phương xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp là nòng cốt. Công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực.

Hệ thống phục vụ giao ban trực tuyến đã được lắp đặt đồng bộ từ huyện đến các xã, thị trấn. Hệ thống quản lý văn bản, việc tổ chức các hội nghị của huyện được thực hiện trên phần mềm do VNPT cung cấp.

100% thôn, tổ dân phố đã được phủ sóng di động. 95% người dân trưởng thành có thiết bị thông minh. 100% hệ thống thông tin của các cơ quan đơn vị huyện đã được phê duyệt cấp độ an toàn thông tin. 30/30 sản phẩm OCOP (chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") của huyện đã được đưa lên sàn thương mại điện tử. Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai hiệu quả và đã trở thành thói quen hằng ngày của nhân dân.

Đặc biệt, Bảo Thắng đã chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện thí điểm xây dựng Mô hình xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử đầu tiên của Lào Cai tại xã Gia Phú.

Nhiều điểm sáng trong chuyển đổi số ở Lào Cai ảnh 2Người dân, doanh nghiệp đến bộ phận một cửa Trung tâm dịch vụ hành chính công tỉnh Lào Cai giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Sau gần 1 năm triển khai, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công giải quyết trực tuyến đạt 93% (tăng 25% so với trước khi thực hiện mô hình). 100% hồ sơ có nghĩa vụ tài chính được thực hiện thanh toán qua cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công đạt 98% (tăng 15% so với trước khi thực hiện mô hình). 

Gia Phú lắp đặt 18 camera giám sát tại các điểm nóng về an ninh, giao thông, khu vực giáp ranh phục vụ an ninh trật tự ở địa phương. 14/14 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố có lắp đặt wifi miễn phí.

Về kinh tế số, xã phối hợp với các ngành chức năng xây dựng tem truy xuất nguồn gốc, mã QR code để xác thực nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ thương hiệu sản phẩm cho các hợp tác xã; đồng thời, hướng dẫn các hợp tác xã cài đặt phần mềm để thanh toán điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất.

Quyết tâm xây dựng thành công mô hình xã thông minh, Gia Phú đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, nhất là lực lượng thanh niên, phụ nữ tham gia vào quá trình chuyển đổi số; khuyến khích người dân tiếp cận các nền tảng công nghệ số, phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh; kinh doanh, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng điện tử.

Hiện địa bàn xã có 6 hợp tác xã hoạt động hiệu quả, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị ổn định với 9 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. 9/9 sản phẩm OCOP của xã Gia Phú đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, góp phần giúp kích cầu tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.

Không chỉ ở Gia Phú, giờ đây, nhiều thôn, làng thông minh của Lào Cai đang dần hiện hữu, chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên từng ngày. Mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, với tầm nhìn chiến lược, quyết tâm cao và đầu tư bài bản, Lào Cai đã xây dựng được hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin đồng bộ. Đây là tiền đề giúp các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và người dân được tiếp cận với internet, thúc đẩy chuyển đối số, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

99% thôn, tổ dân phố có nền tảng số

Chuyển đổi số của Lào Cai đã đi đúng hướng và có một số kết quả khả quan. Mới đây, tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện chuyển đổi số quý III, triển khai nhiệm vụ quý IV năm 2023, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Xuân Cường, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: Nhận thức về chuyển đổi số tại địa phương đã ngày càng nâng cao, các chỉ số lạc quan, có nhiều kết quả tích cực.

Nhiều nhiệm vụ được đánh giá cao như: dữ liệu số trên địa bàn tỉnh được xây dựng, kết nối; việc thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã; các chỉ số xếp hạng của năm đạt khá với những chỉ số rất ấn tượng. Hạ tầng số, nền tảng số đã tới được 99% các thôn, tổ dân phố... Các ngành, các cấp được giao nhiệm vụ đã chủ động thực hiện mang lại hiệu quả rõ ràng như: Ban Quản lý Khu kinh tế, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo; thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng, huyện Bắc Hà.

Lào Cai đã hoàn thiện cổng Dịch vụ công của tỉnh và thực hiện đảm bảo 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; triển khai hệ thống phần mềm báo cáo dùng chung của tỉnh cho 8 đơn vị với 17 loại báo cáo.

Hệ thống dịch vụ công của tỉnh đã tích hợp 1.837 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, đạt 100%, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức toàn trình tiếp tục được nâng cao. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến là 83,92%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến và ký số 24%; tỷ lệ hồ sơ trả kết quả trực tuyến 76%.

Về phát triển kinh tế số, xã hội số, Lào Cai triển khai phát triển thương mại điện tử và đưa 159/163 sản phẩm, đạt 98% sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc hữu của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử.

100% bệnh viện tại Lào Cai đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; 376/612 cơ sở giáo dục triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, đạt 61%; chi trả chế độ bảo hiểm xã hội qua tài khoản cá nhân đạt trên 70%.

Lào Cai là một trong 24 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và thuộc nhóm có tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử cao nhất cả nước với 460.643 người đã có định danh điện tử mức 1, 2, vượt 41% chỉ tiêu Bộ Công an giao.

Nhằm thực hiện toàn diện các mục tiêu về chuyển đổi số trong năm 2023, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai Vũ Xuân Cường nêu rõ: Chuyển đổi số là xây dựng các nền tảng số dùng chung, không đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin với các phần mềm đơn lẻ. Do đó, Lào Cai cần tiếp tục hoàn thiện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin song song với thực hiện chuyển đổi số, không tách rời.

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai chỉ đạo, trong quý IV, các ngành xác định những nhiệm vụ ưu tiên, cấp thiết, đặc trưng để tập trung thực hiện một cách hiệu quả; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong cộng đồng. Tỉnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số là "cái gốc" của chuyển đổi số nên cần tập trung thực hiện, ưu tiên làm trước để đáp ứng được phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm