Nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Quảng Trị đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và tỷ lệ lao động qua đào tạo, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như xây dựng nông thôn mới.

114d1193131t5529l9-tu-linh-cam-lo.jpg
Đào tạo nghề kỹ thuật xây dựng cho lao động nông thôn của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Cam Lộ -Ảnh: baoquangtri.vn

Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 75 - 80%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ trên 33%; đến năm 2030, tỷ lệ này là 85 - 90%, có bằng cấp, chứng chỉ trên 36%. Tỷ lệ lao động có việc làm mới bình quân hằng năm giai đoạn 2020 - 2025 là 12.000 người; giai đoạn 2025 - 2030 là 12.500 người.

Theo bà Lê Nguyễn Huyền Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh tích cực triển khai nhiều giải pháp thực hiện tốt công tác này. Nhờ đó, địa phương đã đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực cung ứng cho thị trường lao động, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cho người dân và góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, người lao động trên địa bàn tỉnh đã được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025) và các chương trình hỗ trợ khác của các tổ chức chính trị - xã hội.

Năm 2023, kinh phí dạy nghề thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã phân bổ hơn 25 tỷ đồng, trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số được phân bổ gần 18 tỷ đồng. Ngoài ra, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã phân bổ hơn 1,1 tỷ đồng hỗ trợ người lao động trong tỉnh đi làm việc ở nước ngoài.

Đối tượng được hỗ trợ đào tạo là những lao động trong độ tuổi ở các hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp nằm trong vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung các sản phẩm chủ lực; lao động tại các cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản và làng nghề; lao động tham gia vào chương trình phát triển các sản phẩm OCOP; người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động; cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác... trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên đào tạo cho lao động vùng dân tộc thiểu số, miền núi; hộ nghèo và cận nghèo, người khuyết tật và phụ nữ; hộ bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp phục vụ các công trình, dự án trọng điểm và người lao động có thu nhập thấp.

Năm 2023, Quảng Trị đã tuyển sinh và hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 10.000 học viên, trong đó 2.686 người dân tộc thiểu số, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,66%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33%, đạt 100% kế hoạch; tạo việc làm mới cho hơn 15.600 lao động.

Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Bà Lê Nguyễn Huyền Trang cho biết, lao động nông thôn sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức được học vào phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm được chi phí sản xuất. Nhiều lao động được tiếp nhận làm việc tại các doanh nghiệp, thu nhập cải thiện đáng kể. Kết quả công tác đào tạo nghề lao động nông thôn đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững, thực hiện hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nguồn lực lao động của tỉnh Quảng Trị đã đóng góp đáng kể vào quá trình tăng trưởng kinh tế địa phương. Điều này có ý nghĩa tích cực trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, sức sản xuất của nền kinh tế Quảng Trị còn thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao do chất lượng lao động đang thấp, cần thêm nhiều nguồn lực để phục vụ công tác đào tạo nghề, đặc biệt là lao động có tay nghề cao.

Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo nghề, Quảng Trị đang đẩy mạnh triển khai có hiệu quả việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững gắn với đào tạo nghề, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Tỉnh ưu tiên đào tạo nghề đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là các ngành, nghề phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và theo nhu cầu của các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó trọng điểm là các khu công nghiệp, khu kinh tế; gắn kết chặt chẽ giữa ba bên (Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp) trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, tỉnh tiếp tục huy động, lồng ghép sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các cơ sở đào tạo, mua sắm trang thiết bị, công nghệ hiện đại để đáp ứng với xu thế hội nhập.

Năm 2024, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu tạo đột phá về quy mô và chất lượng giáo dục nghề nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có chất lượng cho thị trường lao động trong vùng, trước hết là các khu công nghiệp, kinh tế của địa phương. Tỉnh sẽ tạo việc làm mới cho 12.000 người, trong đó có 1.200 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tuyển sinh, hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho 9.000 người theo các cấp trình độ, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,16%, trong đó lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33,5%./.

Nguyên Linh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm