Điểm sáng đào tạo nghề tại khu vực Tây Bắc

Điểm sáng đào tạo nghề tại khu vực Tây Bắc

Năm 2023, hệ thống 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tuyển sinh đào tạo trên 20.000 học sinh, sinh viên theo đơn đặt hàng của hơn 90 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đây là nỗ lực rất lớn nhờ nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, đổi mới chương trình, phương pháp, nội dung đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, góp phần từng bước đưa Yên Bái trở thành một trong những trung tâm đào tạo nghề trọng điểm của vùng Tây Bắc.

Điểm sáng đào tạo nghề tại khu vực Tây Bắc ảnh 1Sinh viên ngành sửa chữa ô tô - máy kéo đang thực hành tại xưởng ô tô của Trường Cao đẳng Yên Bái. Ảnh: TTXVN


Đổi mới phương pháp, nội dung đào tạo nghề


Là nơi đào tạo, giáo dục nghề nghiệp lớn nhất tỉnh Yên Bái, Trường Cao đẳng Yên Bái hiện đào tạo 9 chuyên ngành sơ cấp và ngắn hạn, 12 chuyên ngành trung cấp, 8 chuyên ngành cao đẳng với hơn 2.000 học sinh, sinh viên theo học. Trung bình mỗi năm, từ ngôi trường này có hơn 3.500 học viên được đào tạo, đảm bảo 90% trong số đó có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và ổn định về số lượng cung ứng cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Sinh Phúc, Phó Hiệu trường Trường Cao đẳng Yên Bái cho biết, nhà trường đã và đang tích cực đổi mới chương trình đào tạo nghề, từ xây dựng chuẩn đầu ra, giáo trình tài liệu giảng dạy đến phương pháp kiểm tra, đánh giá. Đặc biệt là sự kết hợp học lý thuyết tại nhà trường với thực tập tại doanh nghiệp, tăng cường phối hợp với các đơn vị sử dụng lao động trong và ngoài tỉnh để tổ chức dạy - học theo hướng nâng cao năng lực, kỹ năng thực hành cho người học, đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp.

Đối với những chuyên ngành mà doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao như: ngành công nghệ ô tô, ngành gia công và thiết kế sản phẩm mộc, ngành vận hành máy thi công công trình, cơ khí tự động hóa, điện dân dụng..., nhà trường đã tập trung đầu tư đổi mới trang thiết bị và nâng cao chất lượng thực hành tại xưởng của trường.

Điểm sáng đào tạo nghề tại khu vực Tây Bắc ảnh 2Một tiết thực hành của lớp thú y tại Trường Cao đẳng nghề Yên Bái. Ảnh: TTXVN

Sinh viên Đặng Thị Quỳnh Trang đang theo học chuyên ngành Sư phạm mầm non tại Trường Cao đẳng Yên Bái chia sẻ: "Trong quá trình học tập, sinh viên học lý thuyết buổi sáng và thực tập buổi chiều tại trường mầm non trên địa bàn. Do vậy, khi bước sang năm thứ 2, em đã khá thành thạo kỹ năng nuôi dạy trẻ. Bên cạnh đó, suốt hơn 2 năm học tập tại đây, hằng tháng, em nhận được khoản hỗ trợ từ nhà nước là 3,6 triệu đồng, giúp đảm bảo cuộc sống và trang trải chi phí cho học tập".

Cùng với thực hiện tốt những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh Yên Bái đã dành nguồn lực đáng kể hỗ trợ công tác đào tạo, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Trọng tâm là làm cầu nối cho công tác phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp để làm tốt các khâu như tuyển sinh, hỗ trợ trang thiết bị đào tạo, đánh giá kỹ năng nghề, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động.

Ông Lê Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết, mô hình hợp tác Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Yên Bái ngày càng bền chặt. Đáng chú ý, mô hình liên kết, phối hợp với doanh nghiệp trong đào tạo nghề, thực tập và tổ chức thi tốt nghiệp tại doanh nghiệp theo đơn đặt hàng đã giúp chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện rõ rệt, đóng góp quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương theo hướng hiệu quả, bền vững.

Nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên

Là một trong 3 trường trung cấp có số lượng học viên đào tạo lớn nhất của tỉnh, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ có 63 lớp với gần 2.700 học sinh theo học 2 hệ đào tạo, gồm trung cấp chính quy và sơ cấp nghề. Nhà trường có 3 ngành nghề được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xác định là nghề trọng điểm: gò hàn, may mặc và điện công nghiệp. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ sở vật chất, nhà trường luôn quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Điểm sáng đào tạo nghề tại khu vực Tây Bắc ảnh 3Sinh viên ngành điện dân dụng thực hành lắp đặt điện tại xưởng cơ khí của Trường Cao đẳng Yên Bái. Ảnh: TTXVN phát.

Ông Triệu Sỹ Trường, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ chia sẻ, là trường dạy nghề, bên cạnh khâu tuyển sinh đầu vào, nhà trường đặc biệt quan tâm tới chất lượng đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên thực hành bằng nhiều hình thức như liên kết trao đổi giáo viên, thuê chuyên gia, thợ bậc cao có tay nghề giỏi tham gia hướng dẫn thực hành. Nhà trường liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để thợ giỏi cùng hướng dẫn học sinh thực tập tại xưởng sản xuất, nâng cao kỹ năng xử lý những tình huống thực tế.

Để không ngừng nâng cao chất lượng nghề, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ đã tập trung xây dựng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy nghề theo 4 tiêu chí: Phẩm chất chính trị đạo đức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, khả năng nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, nhà trường thực hiện việc liên kết đào tạo giáo viên, thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên đề, tổ chức hội giảng, nhằm tìm ra các phương pháp hay, gắn với chuyển đổi số trong giảng dạy.

Ông Đặng Viết Tuân, Trưởng phòng Nhân sự, Công ty Trách nhiệm hữu hạn LG Elechtronics Việt Nam tại thành phố Hải Phòng cho biết, từ nhiều năm qua, việc ký kết thỏa thuận hợp tác với các cơ sở dạy nghề tỉnh Yên Bái trên nhiều lĩnh vực đã trở thành hình mẫu cho liên kết đào tạo nghề trên cả nước, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực giảng viên. Việc liên kết đào tạo giáo viên không chỉ nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ giáo viên mà còn cập nhật thường xuyên, liên tục những thành tựu khoa học, kỹ thuật mới, tiên tiến nhất vào quá trình dạy và học nghề trên địa bàn Yên Bái.

Đến nay, mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đảm bảo độ bao phủ và đa dạng các ngành nghề, trình độ. Quy mô và chất lượng đào tạo ngày càng tăng, liên tục được đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường đào tạo thực hành, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.

Đánh giá về chất lượng đào tạo nghề của tỉnh Yên Bái, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, công tác giáo dục nghề nghiệp đã trở thành điểm sáng của tỉnh Yên Bái trong những năm gần đây, góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, chất lượng liên tục được năng lên, cơ bản đáp ứng thị trường lao động trong nước và xuất khẩu. Đây cũng là nền tảng để Yên Bái thực hiện thành công trở thành một trong những trung tâm đào tạo nghề trọng điểm của khu vực miền núi Tây Bắc.

Tiến Khánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm