Nhật- Mỹ- Hàn họp bàn về vấn đề Triều Tiên

Nhật- Mỹ- Hàn họp bàn về vấn đề Triều Tiên

Theo hãng thông tấn Kyodo, tại cuộc họp, các quan chức ngoại giao ba nước nhiều khả năng sẽ xác nhận sự hợp tác chặt chẽ 3 bên để ứng phó với vụ thử hạt nhân của Triều Tiên tuần trước. Các nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết dự kiến các quan chức sẽ bàn thảo kế hoạch thuyết phục Trung Quốc tán thành việc thông qua một nghị quyết cứng rắn hơn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên. Ngoài vấn đề Triều Tiên, các bên có thể sẽ thảo luận việc tăng cường hợp tác an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trước đó, ngày 13/1, các trưởng đoàn ba nước tham gia đàm phán 6 bên về vấn đề phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên đã nhóm họp tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) và đã nhất trí thúc đẩy "các lệnh trừng phạt mới và có ý nghĩa" để phản ứng về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên ngày 6/1 mà Bình Nhưỡng tuyên bố là thử bom nhiệt hạch.

Thứ trưởng Ngoại giao Nhật bản Akitaka Saiki (giữa) cùng những người đồng cấp Mỹ Antony Blinken (trái) và Hàn Quốc Lim Sung Nam (phải) bắt đầu họp bàn về vấn đề Triều Tiên. AFP/ TTXVN
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật bản Akitaka Saiki (giữa) cùng những người đồng cấp Mỹ Antony Blinken (trái) và Hàn Quốc Lim Sung Nam (phải) bắt đầu họp bàn về vấn đề Triều Tiên. AFP/ TTXVN

Cũng trong ngày 16/1, Triều Tiên tái khẳng định vụ thử bom nhiệt hạch của nước này là "biện pháp phòng vệ" và Mỹ cần công nhận Triều Tiên là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Báo Rodong Sinmun của Triều Tiên dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên nêu rõ Bình Nhưỡng một lần nữa nhấn mạnh rằng việc thử bom nhiệt hạch nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền nước này, chứ không phải làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố cũng nêu rõ nhiệm vụ hàng đầu của Triều Tiên trong năm nay là phát triển kinh tế và cải thiện đời sống người dân, và những nhiệm vụ này đòi hỏi phải có một bầu không khí hoà bình lúc này "hơn bất cứ thời điểm nào". 

Theo tuyên bố trên, mọi đề nghị với Mỹ vẫn còn hiệu lực, bao gồm việc tạm ngừng thử hạt nhân để đổi lấy việc chấm dứt các cuộc tập trận chung của Seoul và Washington, cũng như việc ký kết hiệp ước hoà bình để thay thế hiệp định đình chiến được ký năm 1953. 

Bán đảo Triều Tiên hiện về lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh vì cuộc chiến 1950-1953 chỉ kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, không phải một hiệp định hòa bình. Triều Tiên luôn cho rằng các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn là tập dượt cho một cuộc xâm lược, trong khi Seoul và Washington khẳng định đây chỉ là tập trận thường niên mang tính chất phòng thủ.

Toàn cảnh cuộc họp. AFP/ TTXVN
Toàn cảnh cuộc họp. AFP/ TTXVN
 

Có thể bạn quan tâm