Bác sỹ siêu âm cho bệnh nhân tại trạm y tế xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Đức Tưởng - TTXVN |
Yên Bái là một trong 8 tỉnh, thành phố được Bộ Y tế chọn thực hiện mô hình trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Thực hiện mô hình, Sở Y tế Yên Bái đã lựa chọn, triển khai tại 3 trạm y tế cấp xã điểm gồm hai xã Việt Hồng, Báo Đáp và thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên). Sau một thời gian triển khai, tỷ lệ người dân đến khám bệnh tại trạm y tế xã tăng lên rõ rệt.
Là một trong 3 trạm được triển khai mô hình từ năm 2018, Trạm y tế xã Báo Đáp được đầu tư xây dựng về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ. Bác sĩ Phạm Văn Ánh, Trạm trưởng Trạm y tế xã Báo Đáp cho biết, hiện trạm có 14 phòng khám và điều trị bệnh, với nhân sự 5 người gồm bác sĩ, y sĩ, nữ hộ sinh, dược sĩ và điều dưỡng. Từ khi trạm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tăng cao. Cụ thể trước khi triển khai, mỗi năm trạm có gần 3.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị, sau khi triển khai tỷ lệ bệnh nhân tăng lên 4.000 lượt/năm. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, trung bình mỗi ngày số lượt bệnh nhân đến khám tăng gấp đôi so với năm 2019, từ 25-30 lượt/ngày.
Bà Ngô Thị Minh Hòa, thôn Nhân Nghĩa, xã Báo Đáp chia sẻ, mỗi khi bị ốm bà thường đến Trạm y tế để khám, ở đây có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại như máy siêu âm, chụp X quang…, bác sĩ tận tình, quan tâm đến bệnh nhân.
Cùng với đó, khi bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại trạm y tế còn được lập hồ sơ quản lý, theo dõi các bệnh mạn tính không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường… Từ đó, người dân quan tâm đến sức khỏe của bản thân hơn và hàng tháng chủ động đến các trạm y tế lấy thuốc theo định kỳ.
Ngoài những trạm y tế xã điểm, các trạm y tế khác cũng đang áp dụng, triển khai mô hình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình và mang lại kết quả tích cực. Trạm y tế xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên có 9 phòng khám chữa bệnh với 4 cán bộ. Toàn bộ cán bộ của trạm đều được nâng cao về trình độ chuyên môn, kỹ năng thay đổi thái độ phục vụ đối với bệnh nhân. Năm 2019, trạm đã phối hợp y tế thôn bản khám sàng lọc các loại bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng, sau đó lập hồ sơ quản lý; tuyên truyền cho người dân hàng tháng đến khám và lấy thuốc uống, nhằm bảo vệ sức khỏe. Qua đó, người dân tin tưởng đến khám đông. Năm 2019, trạm đã khám và điều trị cho hơn 6.000 lượt bệnh nhân; trước khi thực hiện mô hình số lượng bệnh nhân đến với trạm chỉ hơn 4.000 lượt.
Ngoài những trạm y tế xã điểm, các trạm y tế khác cũng đang áp dụng, triển khai mô hình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình và mang lại kết quả tích cực. Trạm y tế xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên có 9 phòng khám chữa bệnh với 4 cán bộ. Toàn bộ cán bộ của trạm đều được nâng cao về trình độ chuyên môn, kỹ năng thay đổi thái độ phục vụ đối với bệnh nhân. Năm 2019, trạm đã phối hợp y tế thôn bản khám sàng lọc các loại bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng, sau đó lập hồ sơ quản lý; tuyên truyền cho người dân hàng tháng đến khám và lấy thuốc uống, nhằm bảo vệ sức khỏe. Qua đó, người dân tin tưởng đến khám đông. Năm 2019, trạm đã khám và điều trị cho hơn 6.000 lượt bệnh nhân; trước khi thực hiện mô hình số lượng bệnh nhân đến với trạm chỉ hơn 4.000 lượt.
Khám cho bệnh nhân tại trạm y tế xã Tân Đồng (Trấn Yên, Yên Bái). Ảnh: Đức Tưởng - TTXVN |
Ông Nguyễn Văn Thống, thôn Bánh Xe, xã Tân Đồng tâm sự, ông bị mắc bệnh tăng huyết áp đã lâu, trước đây lúc nào có biểu hiện của bệnh ông mới đến trạm khám. Từ khi được bác sĩ của trạm tư vấn hàng tháng ông đều đi khám và lấy thuốc uống để sức khỏe ổn định; những lần ông quên đến lấy thuốc cán bộ của trạm còn trực tiếp gọi điện thoại thông báo cho ông đến lấy thuốc về uống.
Bác sĩ Phùng Quang Hiệp, Trạm trưởng Trạm y tế xã Tân Đồng cho biết, việc triển khai mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Công tác chăm sóc, sức khỏe cho người dân được toàn diện và sâu rộng hơn, tỷ lệ thuốc cấp cho người bệnh cũng được nhiều và đa dạng. Việc quản lý bệnh nhân mắc bệnh mạn tính không lây nhiễm được đầy đủ, hiện trạm đã lập hồ sơ quản lý được khoảng 90% tổng số dân toàn xã; qua đó, nắm được tiền sử, bệnh sử của người bệnh. Thời gian tới, trạm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tư vấn cho bệnh nhân, lập hồ sơ quản lý đối với những bệnh nhân chưa được lập… nhằm tăng sự tiếp cận giữa ngành y tế với người dân và tăng niềm tin của họ vào các dịch vụ y tế tại cơ sở.
Sau vài tháng triển khai mô hình trạm y tế xã điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, nhận thấy hiệu quả thiết thực, huyện Trấn Yên đã xây dựng kế hoạch nhân rộng ra tất cả 21 xã trên địa bàn huyện ngay trong năm 2018. Huyện cử cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, thái độ phục vụ người bệnh; lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân. Đến nay trên 95% người dân trên địa bàn đã có hồ sơ quản lý sức khỏe.
Bác sĩ Đào Văn Khang, Trưởng phòng Kế hoạch và Nghiệp vụ, Trung tâm y tế huyện Trấn Yên cho biết, việc triển khai mô hình này giúp cho các trạm y tế dễ dàng nắm được tình hình sức khỏe của từng người dân để có cách điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân; đồng thời, quản lý tốt được các bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng. Người dân cũng nhận thức được sự cần thiết trong bảo vệ sức khỏe của mình, thường xuyên đến trạm y tế khám, chữa bệnh theo đúng định kỳ, giảm nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm…
Đặc biệt, các trạm y tế phối hợp với ban, ngành của xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền cho người dân địa phương về việc tham gia bảo hiểm y tế, sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngay tại trạm. Năm 2020, ngành Y tế huyện Trấn Yên tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình; giám sát các trạm, tiếp tục cập nhật hồ sơ sức khỏe cho người dân; khám sàng lọc để phát hiện bệnh không lây nhiễm đưa vào quản lý.
Thạc sĩ Lê Thị Hồng Vân, Phó Giám đốc Sở Y tế Yên Bái cho biết, trạm y tế xã là nơi đầu tiên đón tiếp và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Vì vậy, việc đầu tư, củng cố, nâng cấp chất lượng hoạt động của các trạm y tế xã cần được triển khai sâu rộng, từ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu đến điều trị khám chữa bệnh. Đến nay, trên 1.000 lượt cán bộ của 180/180 trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được đào tạo; hơn 90% trạm y tế đều lập sổ quản lý bệnh nhân. Về chuyên môn, các trạm y tế cũng đang thực hiện gói dịch vụ cơ bản gồm các danh mục khám chữa bệnh, danh mục về chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng và thuốc.
Thời gian tới, nhằm nhân rộng mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình ra toàn tỉnh, Sở Y tế Yên Bái tiếp tục rà soát và đào tạo những người chưa được đào tạo; chỉ đạo các trạm lập hồ sơ quản lý bệnh nhân, đặc biệt đối với bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm một cách đồng bộ, đầy đủ. Cùng với đó, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền đến với chính quyền địa phương và người dân, để người dân hiểu và đồng hành, ủng hộ; tập trung tuyên truyền trực tiếp tại các trạm y tế xã và Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố qua các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, lập hồ sơ qua đợt khám chữa bệnh… Yên Bái đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% các trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh đều đạt tiêu chí trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.
Đinh Thùy
TTXVN