Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang Huỳnh Thị Phượng cho biết: Mô hình “Khu vườn tri thức xanh” (hay còn gọi là thư viện xanh) đang được các trường học trên địa bàn tỉnh triển khai đã tạo không gian mở, góp phần khơi dậy niềm đam mê đọc sách của học sinh và phát triển văn hóa đọc trong trường học.
Mô hình này được tổ chức ngoài sân trường, dưới những tán cây bóng mát. Tại đây, các em được thoải mái tìm đọc các cuốn sách mà mình thích. Theo đánh giá của nhiều trường học, đây là cách làm hay, sáng tạo giúp học sinh chơi mà học, học mà chơi. Điểm đặc biệt của mô hình “Khu vườn tri thức xanh” là không ép buộc học sinh các nguyên tắc về mượn trả sách, không cần thẻ thư viện mỗi khi ra vào... Sau khi đọc xong, học sinh chỉ cần xếp sách ngay ngắn, đúng vị trí như ban đầu.
Tổng Phụ trách Đội Trường Tiểu học Bình Phú 1, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) Lê Ngọc Thanh chia sẻ: Mô hình “Khu vườn tri thức xanh” là hình thức thu nhỏ các kệ đựng sách bằng những chai nhựa được buộc lại, trang trí tại khuôn viên của trường, bên trong ruột chai chứa sách. Nhằm tránh gây nhàm chán, hàng tuần, cán bộ thư viện trường luân chuyển các đầu sách, truyện tới các vị trí khác nhau để học sinh có thể tiếp cận, khám phá với nhiều thể loại sách mới. Nhờ sự hỗ trợ từ dự án Room to Read (Dự án hỗ trợ xây dựng thư viện thân thiện cho học sinh) và sự vận động từ nguồn xã hội hóa mà trường hiện có trên 4.000 đầu sách với nội dung, hình thức vô cùng đa dạng, phong phú.
Tại Trường Tiểu học Thạnh Mỹ, xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang), mô hình “Khu vườn tri thức xanh” đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao văn hóa đọc cho học sinh. Để khuyến khích học sinh đọc sách, nhà trường thường xuyên thay đổi các hình thức tuyên truyền giới thiệu sách như: Tuyên truyền giới thiệu theo chủ đề, chủ điểm hàng tháng tại các buổi sinh hoạt dưới cờ; tổ chức các cuộc thi kể chuyện theo sách…
Ông Trình Khắc Tuấn, giáo viên Trường Tiểu học Thạnh Mỹ nhận xét, từ khi có “Khu vườn tri thức xanh”, học sinh ngày càng trở nên thích đọc sách, số lượng em đến đọc sách ngày càng nhiều hơn. Mô hình cũng đã góp phần nâng cao ý thức giữ gìn, bảo quản sách, vở cho học sinh.
Khó khăn lớn nhất của mô hình “Khu vườn tri thức xanh” hiện nay là việc huy động nguồn sách, truyện dồi dào, phong phú để gây hứng thú, tò mò cho học sinh trong khi ngân sách chi cho hoạt động thư viện của nhiều trường học có hạn. Để khắc phục khó khăn, nhiều trường học đã nỗ lực xã hội hóa nguồn sách từ các mạnh thường quân; đặc biệt ở nhiều trường, giáo viên và học sinh tự đóng góp sách cá nhân để góp phần làm giàu nguồn sách cho thư viện vào hàng tuần hoặc tháng.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) Cao Tấn Hiệu, vấn đề chọn gốc đặt “Khu vườn tri thức xanh”, cách đặt kệ sách, bảo quản sách ngoài trời được các trường tính toán cẩn thận. Đặc biệt, vấn đề theo dõi, đánh giá chất lượng hoạt động của thư viện, sự hứng thú của học sinh cũng được nhà trường chú ý để có kế hoạch, định hướng trong hoạt động thư viện.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang Huỳnh Thị Phượng đánh giá: Mô hình này có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn ngành giáo dục địa phương. "Khu vườn tri thức xanh” đã góp phần tăng cường đáng kể văn hóa đọc, kỹ năng sống cho học sinh trên địa bàn tỉnh. Đây là mô hình hay, sáng tạo, góp phần khơi dậy niềm đam mê đọc sách; giúp thắt chặt tình đoàn kết, chia sẻ khó khăn cho học sinh.
Hữu Chí