Ngày 12/11, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc Tế (IUCN) tại Việt Nam tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi hỗ trợ chiến lược trữ lũ tại Đồng bằng sông Cửu Long” theo hình thức trực tuyến nhằm đánh giá các kết quả chính của dự án; khuyến khích phát triển, nhân rộng các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Andrew Wyatt, Phó Giám đốc Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc Tế tại Việt Nam, Campuchia, Myanmar, cho biết, từ năm 2018 đến năm 2021, IUCN tại Việt Nam đã triển khai Dự án mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi tại 3 tỉnh vùng thượng nguồn Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Đồng Tháp, Long An). Các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi bao gồm: du lịch sinh thái sen, mô hình kết hợp cá-sen, lúa mùa nổi, nuôi cá mùa lũ và các loại cây rau nổi khác nhau (ấu, hẹ nước...).
Mục tiêu của dự án là trình diễn các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi trên diện tích là 470 ha, góp phần bảo tồn và khôi phục 8,6 triệu m3 nước lũ. Thông qua việc trình diễn các mô hình thực tế thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và khôi phục chức năng hệ sinh thái đồng lũ vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên, dự án đã góp phần hỗ trợ thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu của Chính phủ ban hành ngày 17/11/2017.
Trong khuôn khổ dự án, báo cáo về kết quả Đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cuống lá sen Việt Nam”, ông Nguyễn Huy Thắng, Trưởng phòng Kế hoạch và hợp tác quốc tế, Viện Kinh tế Sinh thái (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, kết quả của Đề tài đã được các địa phương ứng dụng vào phát triển kinh tế. Cụ thể, tại xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, người dân đã được tập huấn kéo miết tơ sen lấy sợi và kiến thức về kỹ thuật trồng sen. Hiện nghề này đã được lan tỏa sang các tỉnh miền Tây khác như: Bến Tre, An Giang....
“Dự án cũng đã giới thiệu kiến thức mới cho phụ nữ trong vùng về sản xuất sợi tơ có giá trị cao từ cọng sen vốn trước đây không có giá trị kinh tế. Điều đó cũng chứng minh rằng phụ nữ địa phương có khả năng giữ lại giá trị cao của tơ sen ở Đồng bằng sông Cửu Long bằng cách sản xuất vải sen có giá trị cao. Ngành công nghiệp tiểu thủ công nghiệp đầy tiềm năng này vẫn còn trong giai đoạn sơ khai và cần được hỗ trợ để phát triển hơn nữa”, ông Nguyễn Huy Thắng nhấn mạnh.
Chia sẻ kết quả thực hiện mô hình dự án sinh kế mùa nước nổi (trồng sen) năm 2018-2020 của tỉnh An Giang, Thạc sỹ Trần Chế Linh, Phó Phòng Kế hoạch tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho hay, nhiều mô hình thí điểm đã chứng minh tính bền vững, hiệu quả và có tiềm năng nhân rộng. Điển hình là hiệu quả về môi trường của dự án ruộng sen tại xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ruộng sen mang lại phù sa hằng năm trung bình từ 0,5 - 0,7 cm, ruộng sen trữ nước bình quân 0,9 m nước, qua đó, giúp cho đất có thêm phù sa, người dân tốn ít chi phí hơn trong vụ lúa Đông Xuân. Hiệu quả về xã hội, ước mỗi héc-ta sen tạo việc làm cho 4 lao động trực tiếp, 4 lao động gián tiếp. Đồng thời, mô hình này giúp người dân có sinh kế trong mùa nước, tăng thêm thu nhập… Bên cạnh những lợi ích về kinh tế- xã hội, các mô hình còn góp phần hỗ trợ cho chiến lược bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, gia tăng khả năng trữ nước ngọt cho vùng đồng bằng này.
Để nhân rộng các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi tại Đồng bằng sông Cửu Long, các đại biểu tham dự hội thảo đã đề xuất trong thời gian tới, chính quyền địa phương cần hỗ trợ một phần kinh phí trong chuyển đổi cây trồng cho vùng lúa-sen; cho chuỗi liên kết nông dân (tổ, nhóm, hợp tác xã, doanh nghiệp) để đầu tư các trang thiết bị sơ chế, chế biến sản phẩm từ sen...
Diệu Thúy